Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và các ý kiến tại phiên họp đều cho rằng Luật Giá là bước phát triển của Pháp lệnh Giá được ban hành năm 2002.
Làm rõ danh mục, tiêu chí hình thành danh mục hàng hóa thiết yếu
Dự thảo Luật Giá đề cập nội dung “Hoạt động điều tiết giá của Nhà nước”. Theo đó điều tiết giá của Nhà nước bao gồm việc bình ổn giá thị trường, định giá, hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết giá do thị trường và doanh nghiệp sản xuất quyết định. Nhà nước chỉ can thiệp vào giá bằng chương trình bình ổn. Thực hiện bình ổn thì chủ yếu thực hiện các biện pháp về kinh tế, chỉ khi nào vi phạm giá thì mới xử phạt hành chính.
Về bình ổn giá thị trường, khi giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống và an ninh quốc phòng có biến động bất thường hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động bất thường thì Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp bình ổn giá.
Đồng ý chủ trương này nhưng bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần xác định rõ thế nào là biến động bất thường để bình ổn giá. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bổ sung, cần phải xác định rõ tiêu chí hàng hóa thiết yếu.
Theo dự thảo Luật, hàng hóa, dịch vụ được định giá là các sản phẩm do Nhà nước độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng hóa dịch vụ thiết yếu có thị trường cạnh tranh hạn chế. Tranh luận về nội dung này các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không chuẩn vì tài nguyên nào cũng có thể coi là quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nói hàng hóa do độc quyền sản xuất là không đúng nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở ta chỉ có độc quyền nhà nước chứ không có độc quyền doanh nghiệp.
Xác định rõ thẩm quyền, phân cấp cơ quan định giá, bình ổn giá
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính về Luật Giá thì việc xác định danh mục cụ thể hàng hóa, dịch vụ nào cần định giá, bình ổn giá thì nên giao cho Chính phủ quy định. Ngoài vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì căn cứ vào tình hình thực tiễn ở các địa phương, chính quyền địa phương cũng có thể lập danh mục hàng hóa, dịch vụ cần định giá, bình ổn giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân quan tâm tới việc Nhà nước sẽ quản lý như thế nào việc định giá, bình ổn giá, ban hành các hướng dẫn kiểm tra sao cho phù hợp với cơ chế thị trường, tránh việc can thiệp quá sâu vào giá.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải xác định loại giá nào được Nhà nước định giá. Trường hợp vì lý do đặc biệt, Nhà nước định giá thấp hơn chi phí hình thành giá thì phải hỗ trợ doanh nghiệp để họ không bị thiệt thòi.
Việc cơ quan nào quy định danh sách hàng hóa, dịch vụ được định giá, bình ổn cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Kết luận phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ Tài chính xem xét những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và chỉnh lý Tờ trình và dự luật đã tiếp thu để chuẩn bị trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.
Nguồn www.chinhphu.vn