Các bộ trưởng Tài chính ASEAN cho biết các quốc gia thành viên có thể đề nghị Quỹ cơ sở hạ tầng cấp các khoản vay để xây dựng đường bộ, đường sắt hay thực hiện các dự án khác về cơ sở hạ tầng.
Sau khi các bộ trưưởng ký hiệp ước thành lập quỹ trên, Tổng thư ký ASEAN Xurin Pítxuvăn (Surin Pitsuwan) tuyên bố sự kiện này đã ghi một dấu mốc lịch sử của ASEAN. Các nước thành viên ASEAN đang được xây dựng với tốc độ rất nhanh, nhưng các khoản tài trợ từ bên ngoài rồi cũng sẽ hết và ASEAN phải chung sức vì mục tiêu hội nhập.
Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với khoản tài chính 485,2 triệu USD, hỗ trợ 6 dự án trong một năm. Đến năm 2020, ASEAN hy vọng quỹ sẽ huy động được 4 tỷ USD và sau đó ngân sách của quỹ sẽ tăng lên đến 13 tỷ USD. Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN đặt trụ sở tại Malaixia, nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ với 150 triệu USD. Inđônêxia đứng thứ hai với mức đóng góp 120 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đóng góp 150 triệu USD, đồng thời sẽ tham gia cố vấn để mọi khoản vay đều hợp lý và hiệu quả. Hiện các nước thành viên khác chưa thông báo mức đóng góp. Mặc dù ASEAN đang phát triển với tốc độ cao nhưng tỷ lệ bình quân đầu người trong các lĩnh vực như sử dụng đường cao tốc, nước sạch và điện vẫn xếp sau các quốc gia tiến tiến. Chính vì vậy, việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng trong khối thực sự là một bước đi cần thiết cho ASEAN.
(Theo TTXVN)