Vấn đề hôm nay

Đừng chủ quan với ”bà hỏa” !

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 2 khu công nghiệp trọng điểm, 546 cơ quan, doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao.

(NTO) Đó là chưa kể đến nhiều khu dân cư xây dựng theo kiến trúc cũ rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu “sự cố” xảy ra. Mặt khác, với khí hậu khô hạn được xếp vào hàng nhất cả nước cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. Theo thống kê từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 102 vụ cháy, làm chết và bị thương 11 người, gây thiệt hại về tài sản trên 15,3 tỷ đồng. Đây mới chỉ là con số “bề nổi” còn trong thực tế có không ít vụ cháy mà lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở cơ sở và nhân dân tự dập tắt, thiệt hại không lớn. Nguyên nhân cháy chiếm phần lớn là do sơ suất, bất cẩn hoặc bị sự cố kỹ thuật...

Nếu so với nhiều địa phương trong cả nước thì số vụ cháy và mức độ thiệt hại của tỉnh ta là khá “khiêm tốn”, nhưng nếu so với thời gian 10 năm trước đó thì số vụ cháy đã tăng 45,7%, số người chết và bị thương tăng 83,3%, riêng thiệt hại đã tăng 14 tỷ đồng!. Rõ ràng là cùng với phát triển kinh tế-xã hội thì đi liền với đó là nguy cơ cháy càng cao, thiệt hại khi xảy ra càng lớn. Do vậy để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, công dân, yêu cầu đặt ra đầu tiên là các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng cháy và Chữa cháy gắn với xác định trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cơ sở trong việc thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra nhất là các nơi có nguy cơ cao về cháy như các chợ, khu đông dân cư…Xây dựng lực lượng nòng cốt thực hiện công tác PCCC tại cơ sở nhằm chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ ngay từ ban đầu theo phương châm “4 tại chỗ” đó là, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ…

Thực hiện đồng bộ các yêu cầu nêu trên thiết nghĩ sẽ góp phần làm hạn chế các vụ cháy xảy ra. Tuy nhiên, điều cơ bản vẫn là tính chủ động và cảnh giác của mọi người trước “bà hỏa” !.