Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010, nhiều nội dung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đã được điều chỉnh theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng khoáng sản.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, các quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp cũng được làm rõ. Đặc biệt là Luật khoáng sản năm 2010 đã xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và áp dụng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong hầu hết các trường hợp. Nếu không đấu giá thì thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Những nội dung này yêu cầu phải có những quy định mới, chế tài xử phạt mới điều chỉnh các hành vi của tổ chức, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản.
Vì những lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định mới để thay thế các Nghị định 150/2004/NĐ-CP và 77/2007/NĐ-CP để quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là hết sức cần thiết.
Mức xử phạt được điều chỉnh tăng cao hơn trước
Về nội dung dự thảo Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các quy định hành vi bị xử lý vi phạm trong dự thảo được thể hiện cụ thể, rõ ràng hơn, mức xử phạt được điều chỉnh theo hướng tăng cao hơn trước đây nhằm bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn; khung phạt được phân ra ở các mức khác nhau để mức phạt tiền trong khung phạt không quá rộng, thuận lợi khi thực hiện.
Chẳng hạn như, với hành vi mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, dự thảo đề xuất phạt tiền từ 50-500 triệu đồng tùy từng loại khoáng sản. Trong khi quy định cũ chỉ phạt từ 500 nghìn - 50 triệu đồng).
Một ví dụ khác là với hành vi cung cấp trái pháp luật thông tin về khoáng sản thuộc bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, dự thảo đề xuất mức phạt từ 30-50 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 10-20 triệu đồng).
Hay như hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép, mức phạt tối đa theo quy định cũ là 100 triệu đồng nay được đề xuất tăng lên 500 triệu đồng.
Quy định bổ sung với một số vi phạm
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm một số vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản bị xử phạt là: Vi phạm quy định đối với quyền lợi hợp pháp của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; vi phạm quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm quy định về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản;...
Các vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản được giữ nguyên về hành vi nhưng được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính cũng như Luật Khoáng sản.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Nghị định và góp ý.
Nguồn www.chinhphu.vn