Nếu như trước đây tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 chỉ quy định quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, thì Nghị định 85/2011/NĐ-CP bổ sung quy định quyền tác giả đối với chương trình máy tính.
Cụ thể, tác giả chương trình máy tính quy định tại điểm m khoản 1 Điều 14, Điều 22 của Luật Sở hữu trí tuệ được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1,2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo chương trình máy tính và tác giả chương trình máy tính có thể thỏa thuận khi ký hợp đồng sáng tạo về quyền đặt tên chương trình máy tính theo quy định.
Tổ chức cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật để sáng tạo chương trình máy tính là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng quyền công bố và các quyền tài sản độc quyền theo quy định. Tác giả chương trình máy tính được hưởng tiền nhuận bút và quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả.
Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm không quá một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được.
Sử dụng quyền tác giả phải có hợp đồng
Nghị định cũng bổ sung quy định nguyên tắc và phương thức thanh toán tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Theo đó, nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ được xác định theo nguyên tắc việc trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Bên cạnh đó, mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm.
Việc sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải có hợp đồng bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Nghị định 85/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2011.
Nguồn www.chinhphu.vn