(NTO) “Bỏ rơi” sức khỏe người lao động
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có đợt kiểm tra đối với các DN trên địa bàn tỉnh và phát hiện nhiều DN không tổ chức khám SKĐK cho công nhân lao động ở đơn vị. Qua kiểm tra 24 DN (10 DN cổ phần, 13 DN trách nhiệm hữu hạn và 1 DN tư nhân), có 9 DN không thực hiện khám SKĐK cho người lao động. Trong 15 DN thực hiện chỉ có 1.234/1.840 lao động được kiểm tra SKĐK! Đây là thực trạng đáng báo động về tình hình vi phạm Bộ luật Lao động trong các DN.
Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Nhân khám SKĐK
tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Trao đổi với những chủ DN không thực hiện khám SKĐK cho người lao động, câu trả lời mà chúng tôi nhận được chung chung: “Một phần do chưa nắm rõ hết luật, một phần do công nhân làm việc phân tán ở nhiều nơi nên việc tổ chức khám SKĐK gặp rất nhiều khó khăn…”! Theo ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Qua kiểm tra đợt đầu, đoàn đã phát hiện nhiều DN trên địa bàn không tổ chức khám SKĐK cho người lao động. Đây là thực trạng cần phải khắc phục ngay, bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Không ít đơn vị vin vào lý do này, lý do nọ để biện minh cho sự thờ ơ với việc chăm lo sức khỏe cho công nhân”.
Các nội dung bắt buộc theo quy định của Thông tư số 13/2007/TT-BYT ngày 21-11-2007 của Bộ Y tế:
1. Lập hồ sơ, cập nhật các thông tin về tiền sử sức khỏe bệnh tật.
2. Khám thể lực chung: Đo chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp...
3. Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa: Nội, ngoại, da liễu, phụ khoa, mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt...
4. Khám cận lâm sàng bắt buộc:
+ Công thức máu, đường máu.
+ Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu (đường, protein, tế bào).
5. Cận lâm sàng khác:
+ Chụp X quang tim, phổi, và làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác theo chỉ định của bác sĩ khám.
Theo Nghị định số 06/CP ngày 20-1-1995 của Chính phủ qui định chi tiết một số Điều của Bộ luật Lao động về an toàn vệ sinh lao động và Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27-12-2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20-1-1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật Lao động về an toàn vệ sinh lao động: Phải khám sức khoẻ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề, ít nhất một lần trong một năm, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất 6 tháng/lần (Điều 7-của Bộ luật Lao động). Luật quy định rất cụ thể, nhưng chủ DN lại “không biết” hay “cố tình quên” thực hiện nghĩa vụ này đối với người lao động ?
Đi tìm nguyên nhân
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lao động khi khám SKĐK theo quy định bắt buộc, chi phí thực hiện từ 160.000 đồng đến 180.000 đồng/người (chưa nói đến các bệnh phát sinh, các bệnh nghề nghiệp khác mà người lao động mắc phải chi phí vượt lên cả hàng triệu đồng). Bình quân một DN có 50 lao động, mỗi năm ‘quên” khám SKĐK, chủ DN đã “tiết kiệm” chi hàng chục triệu đồng. Hiện nay nhiều DN “lách luật” bằng cách tổ chức khám SKĐK cho một bộ phận lao động trong đơn vị để đối phó với các cơ quan chức năng, hoặc tổ chức khám SKĐK ở một số trung tâm y tế huyện, phòng khám tư nhân để giảm bớt chi phí. Bởi ở đây, DN chỉ phối hợp với các cơ sở này khám bước 1 cho lao động, khám thể lực chung chung, kinh phí quy định 25.000 đồng/người (còn lại các thủ tục bắt buộc khác như xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X quang tim, phổi,… được các DN bỏ qua).
Bên cạnh đó, cũng phải nó đến sự thiếu hiểu biết của người lao động. Theo anh T.V.H ở một công ty xây dựng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: “Khi nộp hồ sơ xin việc, chúng tôi mới được khám sức khỏe, còn sau đó thì không thấy ai nhắc đến nữa. Cũng thắc mắc nhưng không dám kiến nghị với chủ DN, bởi đây là vấn đề tế nhị”. Hầu hết công nhân chỉ quan tâm đến công việc đang làm, còn các DN lại không chủ động trong việc tổ chức khám SKĐK cho công nhân. Người lao động lại “mù mờ” về điều này hoặc nếu yêu cầu thì sợ ảnh hưởng đến việc làm nên không có kiến nghị gì với chủ DN, vô hình trung đã làm mất đi quyền lợi chính đáng của mình.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng khoa Sức khỏe Nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Theo Thông tư 13/TT-BYT năm 2007 của Bộ Y tế, thì hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám SKĐK cho người lao động; người lao động phải có hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân và hồ sơ theo dõi tổng hợp theo quy định của Bộ Y tế. Những người lao động có sức khỏe loại 4, loại 5 và bị các bệnh mãn tính phải được theo dõi, điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng và sắp xếp công việc phù hợp. Và trong thời gian khám, chữa bệnh, người lao động vẫn được trả lương như những ngày thường”. Như vậy, việc “bỏ sót” khám SKĐK cho người lao động, DN đã “tiết kiệm” được một phần chi phí cho mình!
Cần sớm chấn chỉnh
Thực tế, những DN làm ăn chân chính, uy tín luôn thực hiện tốt nghĩa vụ này. Điển hình như Công ty TNHH May Tiến Thuận với đội ngũ lao động luôn trên 1.000 người, nhưng tất cả đều được khám SKĐK mỗi năm 2 lần. Theo ông Hồ Tấn Ninh, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự công ty cho biết: “Công ty xác định được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với người lao động. Trên hết, bảo vệ sức khỏe người lao động chính là bảo vệ lợi ích, quyền lợi cho DN. Bởi DN thực hiện đúng pháp luật quy định, người lao động được khám SKĐK sẽ an tâm công tác, mang lại năng suất, và chính DN có lợi nhuận cao”.
Khám SKĐK cho người lao động là việc làm rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như sự an toàn trong lao động cho công nhân. Bởi theo Bác sĩ Cúc: “Khi làm việc trong môi trường nhất định, sẽ có những tác động đến người làm việc trong môi trường đó mà họ không thể biết. Chính vì vậy, phải tổ chức kiểm tra, khám SKĐK cho công nhân từ đó mới có thể kịp thời chữa trị cũng như bố trí công việc hợp lý, thực hiện các chế độ, chính sách liên quan cho người lao động một cách phù hợp”.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong thời gian tới, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, Y tế cần phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý và chấn chỉnh các DN vi phạm. Tổ chức Công đoàn các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về những quyền lợi của mình. Trên hết, các DN cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng lao động. Có vậy, tình trạng buông lỏng công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở các DN mới được khắc phục.
Bình An