Đổi thay ở làng Chăm Phước Hậu

Sau một năm trở lại, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của bà con đồng bào Chăm Phước Hậu (Ninh Phước) đã thay đổi rất nhiều.

(NTO) Vùng quê thuần nông đã mọc thêm nhiều ngôi nhà ngói đỏ khang trang. Những con đường nội thôn mới được bê-tông, làm cho bộ mặt thôn xóm thêm văn minh, hiện đại. Cả xã Phước hậu có 4 thôn đồng bào Chăm (Chất Thường, Hiếu Lễ, Phước Đồng 1, Phước Đồng 2), thì thôn nào cũng có nước sạch. Tỷ lệ bà con sử dụng nước sạch trực tiếp đạt trên 80%. Từ Chương trình 134 trước đây và Chương trình 167 của Chính phủ hiện nay, hàng loạt hộ trong diện nhà tạm được hỗ trợ xây nhà mới. Ngay như chuyện đưa nước sạch về cho bà con cũng vậy. Sau khi Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng đường ống dẫn nước, còn cho vay hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng để bắt đường nhánh dẫn nước vào tận nhà ... Có nước sạch, cuộc sống của bà con văn minh hơn, không ít hộ có khu vệ sinh khép kín, lát gạch men, bắt vòi nước hoa sen, tiện nghi không thua gì thành phố.

Dạo một vòng quanh các làng Chăm trong xã, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội Ka-tê. Tại sân đền Po Klong Garai giữa thôn Phước Đồng 1, các thiếu nữ đang luyện tập điệu múa quạt truyền thống. Nhóm thanh niên đang sơn lại chiếc kiệu để chuẩn bị rước y phục vua Po Klong Garai làm lễ tạ ơn công lao của Ngài. Gặp khách, ông Bá Bình Lợi, tay bắt mặt mừng, cho biết: “Lễ hội Ka-tê năm nay bà con vui gấp đôi vì được mùa lúa vụ hè-thu. Nhờ sự giúp đỡ của các ngành chuyên môn, bà con mạnh dạn thực hiện mô hình “ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm”, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha”.

Qua trò chuyện, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã cho biết, cuộc sống của bà con những năm gần đây được nâng lên rất nhiều. Con đường đi lên từ chuyên canh cây lúa nước như ở Phước Đồng 1, Phước Đồng 2, Hiếu Lễ, không gì hơn là tranh thủ chính sách ưu đãi của Nhà nước về vay vốn lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất. Từ chỗ trước đây mỗi hộ chỉ được vay trên dưới 10 triệu đồng, thì hiện nay có thể vay lên tới 50 triệu đồng. Có vốn, bà con mua sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp như hộ anh Quảng Thạnh, Quảng Đại Hùng (thôn Hiếu Lễ), Kim Lai (Phước Đồng 1). Hiện nay sản xuất nông nghiệp trong các thôn đồng bào Chăm đã cơ giới hóa 100% ở khâu làm đất và thu hoạch. Sản xuất phát triển, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo còn 12%, thấp hơn 2% so với bà con ở các vùng lân cận. Đặc biệt, xuất hiện nhiều gương sáng làm kinh tế giỏi, tổng thu nhập hằng năm lên đến ba, bốn trăm triệu đồng, như gia đình anh Hứa Thanh Vân, Quảng Các ở thôn Phước Đồng 2. Anh Đàng Văn Phùng, Trưởng BQL thôn Phước Đồng 2, chí lý: “Nhà nước cho bà con cần câu và bà con đã câu được cá”.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Nhà nước cũng rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đối với con em đồng bào Chăm ở địa phương. Hệ thống các trường học được xây dựng khang trang. Các thôn đều thành lập những dòng tộc khuyến học, khuyến tài. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT những năm gần đây đậu vào các trường đại học, cao đẳng đạt 60%. Chỉ tính riêng thôn Phước Đồng 2 đã có trên 100 sinh viên. Nhiều gia đình có con cái học hành thành đạt là kỹ sư, bác sĩ như gia đình ông Đổng Đám ở thôn Phước Đồng 2.

Bao sự đổi thay ở Phước Hậu hôm nay rất đáng tự hào và chúng tôi càng thấm thía câu nói chí lý của đồng chí Trưởng BQL thôn Phước Đồng 2.