Tiền lương: Cần sớm cải cách

Thực trạng tiền lương nhiều năm qua bộc lộ nhiều bất cập, kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội. Cần cấp bách sửa đổi chính sách tiền lương để tạo động lực mới cho sự phát triển

 Lương ít, sống khó

Với đồng lương ít ỏi, kể cả sự đắp đổi thêm từ cơ quan, tổng thu nhập của cán bộ, công chức (CBCC) còn thấp so với mặt bằng thu nhập của các ngành nghề khác trong xã hội. Song vì sao đội ngũ CBCC ngày một “phình ra” dù đã có nhiều người ra đi?

Vừa tốt nghiệp đại học chưa lâu, thi tuyển vào một cơ quan Nhà nước, Trần Đình Hoàng trở thành công chức chính quyền một tỉnh phía Nam. Ham học hỏi, siêng năng và mẫn cán, trong mắt nhiều người, Hoàng là mẫu cán bộ trẻ có ý chí cầu tiến.

Làm 30 năm, lương tháng 6 triệu đồng

Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của Hoàng là tiền lương anh nhận hằng tháng. Hệ số 2,34 nhân với nền lương tối thiểu (LTT) 830.000 đồng, trừ khoản đóng BHXH, mỗi tháng anh chỉ còn nhận chưa đến 2 triệu đồng. Các khoản phúc lợi khác của cơ quan lại không nhiều nên tính chung, thu nhập của Hoàng mỗi tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Với thu nhập đó, Hoàng chi tiêu tằn tiện, may mà anh còn ở với cha mẹ và nhà anh không đến nỗi khó khăn nhờ nguồn sinh lợi từ mấy hecta cao su của gia đình.

Nếu Hoàng chỉ thuần túy làm công việc của cơ quan thì chị L.T.Dung, giáo viên tại một trường THCS ở TPHCM, tranh thủ lúc rảnh rỗi làm thêm công việc kế toán cho một công ty tư nhân. Chị cho biết: “Thời điểm tôi được trường tiếp nhận, lương giáo viên khởi điểm là 1,6 triệu đồng, nhưng năm đầu giáo viên mới ra trường như tôi chỉ được nhận mức lương thử việc (85%), tức 1,36 triệu đồng. Số tiền ấy không thể đủ cho chi tiêu thông thường của bản thân và chưa bằng một nửa lương của công việc kế toán bán thời gian mà tôi đang làm thêm”.

Hiệu trưởng một trường mầm non cũng cho chúng tôi xem bảng lương của trường, trong đó, mức lương cao nhất là 4,4 triệu đồng; thấp nhất là lương của các giáo viên mới vào nghề, có người chưa đến 2 triệu đồng. “Nếu không có thêm một số khoản phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiền làm thêm giờ, như trông trẻ buổi trưa hoặc những khoản thu khác, chắc không ai sống nổi với nghề” - vị này cho biết.

Trưởng khoa của một trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết lương tháng của ông chỉ ở mức 5 triệu đồng, dù ông là một tiến sĩ đã có hơn 20 năm công tác. Một vị bác sĩ cho biết mỗi tháng, ông nhận lương hơn 6 triệu đồng. Con số có vẻ không thấp nhưng rõ ràng là không tương xứng so với chức vụ ông đang nắm giữ. “Hơn 6 triệu đồng là nhờ hệ số lương của tôi rất cao bởi tôi đã có hơn 30 năm công tác và lại giữ cương vị giám đốc. Còn lương của những nhân viên khác thì thấp lắm” - ông nói.

Vì lòng yêu nghề và tâm huyết phục vụ nhân dân, nhiều CBCC gắn bó hết mình
với công việc dù tiền lương, thu nhập chưa tương xứng.
Trong ảnh: CBCC văn phòng UBND quận 1 – TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
 

Bởi tiền lương không tương xứng nên nhiều CBCC phải làm thêm hoặc nhờ nguồn thu khác của cơ quan điều tiết, đắp đổi. Nhiều cán bộ giảng dạy đại học đã nhận thêm chức vụ quản lý hoặc nhận tiết giảng ở trường dân lập; hùn hạp bạn bè mở công ty kinh doanh.

Còn bác sĩ ở các bệnh viện thì tùy khoa, ngành, hoặc mở phòng mạch hoặc làm thêm những việc gần chuyên môn để kiếm sống và đây lại là thu nhập chính. Cũng tại các cơ sở y tế này, đội ngũ công chức là cán bộ, nhân viên các phòng hành chính, sự vụ là những người chỉ có thêm thu nhập ngoài lương từ nguồn làm dịch vụ của cơ quan mà thôi. Nơi đông người bệnh và quản lý tốt thì nguồn thu khá cao, nói chung vẫn là dạng may nhờ rủi chịu.

Ở lại vì yêu nghề, quen với sự thanh đạm

Với đồng lương đó, kể cả sự đắp đổi thêm từ cơ quan thì tổng thu nhập của những CBCC bình thường đều phải nói là thấp so với mặt bằng thu nhập của các ngành nghề khác trong xã hội. Song vì sao đội ngũ CBCC ngày một “phình ra” dù đã có nhiều người ra đi? Ngoài lý do một số cơ quan có “màu”, lương ít nhưng bổng lộc và nguồn thu nhiều, có người đi làm bằng xe đạp nhưng cuối tuần chở vợ con đi chơi bằng ô tô thì sự phình ra này cần được hiểu là các cơ quan công quyền thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu, “thừa người làng nhàng, thiếu người xuất sắc” và nhu cầu phát sinh công việc ngày càng nhiều nên cần có thêm nhân sự đáp ứng.

Mặt khác, phải khẳng định rằng đại đa số những người làm công ăn lương, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước còn phải sống chật vật bởi đồng lương chưa tương xứng với tính chất công việc mà họ đảm trách. Họ gắn bó với công việc còn do nhiều nguyên nhân khác, trong đó, vừa có nếp tư duy không muốn thay đổi công việc, sợ phải làm lại từ đầu trong một môi trường mới vừa có tình cảm gắn bó, yêu nghề và cả sự quen dần, chấp nhận sự thanh đạm nghề nghiệp đem lại.

 Dù đồng lương ít ỏi nhưng đông đảo giáo viên vẫn gắn bó với nghề với tất cả tâm huyết.
Trong ảnh: Giáo viênTrường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1 - TPHCM
và các em học sinh Ảnh: TẤN THẠNH
 

Nữ nhân viên một trung tâm chăm sóc trẻ tật nguyền ở TPHCM cho biết mức lương của chị và các đồng nghiệp mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. Trả lời câu hỏi “vì sao chị ở lại với nơi này và công việc này”, chị nói: “Tình thương dành cho trẻ tật nguyền là lý do chính để chúng tôi gắn bó với nơi này, vì đây là nơi tiếp nhận điều trị miễn phí cho những trẻ em nghèo, tật nguyền mà không có điều kiện kinh tế để chữa trị. Mục đích từ thiện của trung tâm là điều khiến nhiều nhân viên ở đây gắn bó với công việc, dù mức lương không cao. Được chứng kiến các em nhỏ tật nguyền hồi phục và hòa nhập cuộc sống với vẻ ngoài lành lặn là niềm hạnh phúc rất lớn của chúng tôi”.

Nhiều thầy cô giáo khi tiếp xúc với chúng tôi cũng tâm sự rằng điều níu kéo họ ở lại với mái trường là tình cảm của đồng nghiệp, nhất là của các học trò. Được đồng nghiệp quan tâm, môi trường giáo dục thân thiện và sự yêu mến, quý trọng của học trò là nguồn động viên để họ yên lòng đứng trên bục giảng.

Hơn nữa, nhiều thầy cô giáo, nhất là những gia đình có truyền thống làm nghề giáo, đều đã quen với sự thanh đạm. Một đôi vợ chồng giáo viên tâm sự: “Nhu cầu con người biết bao nhiêu cho đủ, cho vừa. Chúng tôi quan niệm “biết đủ là vui” và lương hai vợ chồng cùng thu nhập ở trường cũng thu vén được. Không dư dả song chúng tôi cũng không túng thiếu và luôn giữ được tươm tất trong tác phong, lấy sự thanh đạm trong đời sống hằng ngày làm sạch tâm hồn để giữ cho nghề luôn được cao quý”.

Tiền lương chỉ đáp ứng 30% - 50% nhu cầu tối thiểu

Từ năm 1993 đến nay đã có 3 cuộc cải cách tiền lương nhưng tiền lương và thu nhập của CBCC vẫn chỉ đáp ứng được 30% - 50% nhu cầu tối thiểu của gia đình. Song trong khi đại đa số CBCC phải sống chật vật thì không ít CBCC ở các cơ quan Nhà nước lại không sống nhờ lương mà nhờ nơi làm việc có “màu” và họ có nhiều cách thức để tăng thu nhập ngoài lương. Từ đó tạo ra nghịch lý: Lương danh nghĩa chỉ “ba cọc ba đồng” nhưng CBCC một số cơ quan (nhất là những cơ quan liên quan đến dịch vụ, đến cuộc sống thiết thân của người dân và làm ăn của doanh nghiệp) sống “khỏe”; để được vào biên chế các cơ quan này là cuộc đua hết sức khó khăn. Bởi ở đó không chỉ là thu nhập ngoài lương rất cao mà còn có các lợi thế khác để sinh lợi từ mối quan hệ làm ăn, dự án…

Nguồn www.nld.com.vn