Nghỉ thai sản lâu sẽ tốt cho trẻ nhỏ
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em cho biết, hiện nước ta có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi tới gần 32% và là một trong số 20 quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cao nhất thế giới.
Lao động nữ được đề xuất tuổi nghỉ hưu mới.
(Ảnh chụp tại Khu công nghệ Đồi Đỏ, huyện Tân Yên, Bắc Giang).
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, cứ khoảng 5 trẻ dưới 5 tuổi thì 1 trẻ bị thiếu cân thể trung bình hoặc nặng (tỷ lệ 17,5%), cứ 3 trẻ thì 1 trẻ bị thấp còi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì mẹ phải đi làm quá sớm (4 tháng). Muốn cải thiện được điều đó, chỉ có cách là tăng thời gian nghỉ thai sản, và Cục này đề nghị thời gian nghỉ thai sản 6 tháng.
Một nghiên cứu khác của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ được Bộ Y tế trích dẫn cũng đưa ra chi tiết ảnh hưởng của 3 yếu tố (tổng thời gian nghỉ thai sản, độ dài nghỉ thai sản có lương, và thời điểm đi làm lại) tới việc con bú sớm và thời gian cho con bú. Nghiên cứu này cho thấy, các bà mẹ mới sinh con càng chậm đi làm trở lại càng có nhiều khả năng cho con bú trong thời gian dài hơn. Tại nhiều nước, hiện thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ là từ 6 tháng đến 1 năm.
Chị Âu Phương Thảo ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là cán bộ công chức nhà nước, đang có bầu tháng thứ 5 chia sẻ: “Ai chẳng mong muốn kéo dài thêm thời gian để chăm sóc con nhỏ. Mới 4 tháng mà đã phải đi làm thì con còn non nớt quá, mẹ khổ, con cũng khổ. Như trường hợp của tôi, đi làm xa, cách nhà 10km, cứ buổi trưa lại tất tả về cho con bú, xong lại tất tả đi làm, vất vả lắm!”.
Tuy nhiên, việc đề xuất nghỉ thai sản của phụ nữ lên 6 tháng của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em chưa được các bên liên quan đồng thuận. Nhiều quan điểm cho rằng, nghỉ như vậy chi phí về BHXH là quá lớn. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo toàn quốc để lấy thêm ý kiến về vấn đề này, đóng góp cho việc sửa đổi Bộ Luật Lao động” - ông An nói.
Nới 3 năm tuổi hưu với lao động nữ
Trong khi tuổi thai sản được đề nghị kéo dài thêm 2 tháng thì tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lại được đề xuất kéo dài thêm 3 năm để phù hợp hơn với tính chất của công việc, tạo sự công bằng và bình đẳng giới. Theo kiến nghị của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tuổi nghỉ hưu của nữ lao động cần chia thành hai khu vực lao động phổ thông và hành chính.
Trao đổi với NTNN, ông Đặng Quang Điều – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hạn chế của các quy định hiện hành là không có sự phân biệt rõ ràng giữa lao động nữ làm việc tại khu vực sản xuất kinh doanh và lao động nữ khối hành chính sự nghiệp; giữa các ngành nghề khác nhau.
Theo quy định hiện hành, thời gian nghỉ thai sản là 4 tháng, những trường hợp đặc biệt được nghỉ 6 tháng (tàn tật, làm việc trong môi trường độc hại); còn tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 55 tuổi, nam là 60 tuổi.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn công bố kết quả khảo sát 3.000 lao động ở 12 tỉnh thành phố trên 3 miền Bắc, Trung, Nam. Qua tổng hợp, Viện đã đề xuất tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ cho hai khu vực riêng. Đối với khối hành chính sự nghiệp nâng lên là 58 tuổi; khối sản xuất kinh doanh là 50 tuổi (điều kiện làm việc nặng nhọc) và 55 tuổi (bình thường). Riêng với lao động nữ thuộc hai ngành chế biến cao su và chế biến thủy, hải sản, tuổi nghỉ hưu là 45 tuổi.
“Việc tăng tuổi hưu cho lao động nữ khu vực này cũng là góp phần thực hiện một bước về bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ. Mặt khác, ở khu vực hành chính sự nghiệp, khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần quan trọng vào việc làm giảm đáng kể khoản chi quỹ hưu trí của Bảo hiểm xã hội và tăng nguồn thu cho quỹ này” - TS Đặng Quang Điều cho biết.
Nguồn Dân Việt