Bên cạnh công dụng chính, thuốc chữa bệnh còn có tác dụng phụ không mong muốn (tác hại do thuốc), thậm chí có thể gây dị tật, tử vong. Trong thực tế, trên thế giới, có rất nhiều loại thuốc đã được thử nghiệm, được cấp phép lưu hành, nhưng rồi sau đó buộc phải thu hồi, ngừng sử dụng vì tác dụng phụ nguy hiểm.
Hiện có rất ít BV báo cáo về phản ứng có hại của thuốc - Ảnh: Thanh Tùng
Xuất phát từ thảm họa của một loại thuốc (dùng chống nôn cho phụ nữ mang thai) khiến hơn 20.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng được xác định vào năm 1961, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thành lập Trung tâm quốc tế theo dõi phản ứng có hại của thuốc (viết tắt Trung tâm ADR) đặt tại Thụy Điển. Nơi đây là đầu mối tiếp nhận và quản lý các báo cáo về tác hại do thuốc từ các quốc gia.
19 trường hợp choáng phản vệ nguy kịch
Mới đây, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bộ Y tế, văn phòng đại diện của WHO tại VN, cùng các đơn vị y tế, dược... đã có cuộc họp xoay quanh vấn đề này. Tại cuộc họp, TS Lê Thị Diễm Thủy (Phó giám đốc Trung tâm thông tin thuốc và phản ứng có hại của thuốc phía Nam - viết tắt là Trung tâm DI - ADR phía Nam) cho biết: "Phản ứng có hại của thuốc có thể gây kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, gây nghiện, gây dị tật bẩm sinh, tăng nguy cơ tử vong... Do vậy cần giám sát, theo dõi để đưa ra những khuyến cáo, thay đổi về thông tin thuốc, nhằm sử dụng thuốc an toàn và hợp lý cho người bệnh”.
Tuy nhiên, trên thực tế, TS Nguyễn Hoàng Anh (Phó giám đốc Trung tâm DI - ADR quốc gia) thông tin: “Bình quân hằng năm, Trung tâm DI - ADR quốc gia chỉ nhận được từ 2.000 - 2.500 báo cáo của các BV, cơ sở điều trị trên cả nước về phản ứng có hại của thuốc, rất thấp so với quy định của WHO đề ra, là cứ 1 triệu dân thì mỗi năm phải có 200 báo cáo về phản ứng có hại của thuốc. Đáng nói hơn, nhiều báo cáo rất đơn giản, mang tính hình thức, đối phó, không chất lượng, không giúp ích gì cho việc điều trị”.
“Một BV tại Anh chỉ trong 6 tháng năm 2010 đã có đến 733 báo cáo ADR, trong khi đó, từ tháng 11.2010 đến tháng 7.2011, 69 BV phía Nam, tính từ Đà Nẵng trở vào, chỉ có 315 báo cáo”, TS Thủy cho biết thêm. Trong số các báo cáo này có 19 trường hợp choáng phản vệ nguy kịch (trong số này có 1 ca tử vong, 18 ca may mắn được cứu sống). Phần lớn xảy ra với thuốc kháng sinh (với 13 ca), còn lại là thuốc giảm đau (2 ca), thuốc gây mê (2 ca), dịch truyền (1 ca), thuốc cản quang (1 ca).
Theo đại diện WHO tại VN, ngoài các trung tâm ADR thì vai trò của các BV rất quan trọng, vì nơi đây tiếp nhận, theo dõi, cũng như đưa ra các xử trí đối với những trường hợp bị phản ứng tác hại do thuốc. Tuy nhiên, giới y khoa luôn e ngại báo cáo về thông tin có hại của thuốc, sai sót trong sử dụng thuốc, vì lo ngại dư luận, giới truyền thông biết.
PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ BV TP.HCM, cũng nói thẳng: “Vấn đề này chưa được quan tâm là do nhiều yếu tố, trong đó có sự tế nhị liên quan đến bác sĩ, BV và quyền lợi của các công ty dược phẩm”. Cũng có ý kiến cho rằng trong những yếu tố đưa đến tác hại do thuốc có yếu tố bác sĩ kê toa không hợp lý, nên giới bác sĩ, BV e ngại báo cáo.
Vụ phản ứng có hại do thuốc gây ra rất lớn vào năm 1961, mà giới y khoa hay gọi là “thảm họa thalidomide”. Thuốc thalidomide được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia từ 1957 - 1961, với công dụng an thần và chống nôn (đặc biệt chống nôn cho phụ nữ mang thai). Cuối năm 1961, người ta đã xác định loại thuốc này khiến hơn 20.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh.
Trong năm 2010 và 2011, nhờ hệ thống theo dõi phản ứng có hại của thuốc hoạt động hiệu quả, Pháp, Cơ quan Quản lý thuốc châu Âu và Mỹ đã liên tục báo cáo những phản ứng có hại của thuốc như vụ: thuốc si-rô giảm đau hạ sốt tylenol; thuốc trị tiểu đường, giảm cân mediator; kháng sinh dạng si-rô augmentin; và mới đây là 59 loại biệt dược khác.
Nguồn Thanh Niên Online