Theo ông Hâyxtơ, tính đến ngày 8/9, phạm vi băng ở biển Bắc Cực là 4,240 triệu kilômét vuông. Đây là một mức thấp lịch sử, mốc mới này thấp hơn khoảng một nửa phần trăm so với mốc kỷ lục trước đó vào ngày16/9/2007 là 4,1 triệu kilômét vuông.
Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC), băng bao phủ ở Bắc Cực đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu trên Trái Đất thông qua việc phản chiếu của ánh nắng Mặt Trời và duy trì sự mát mẻ của vùng địa cực. Diện tích băng trên biển trong mùa Hè vừa qua đã giảm 50% so với diện tích băng cách đây 4 thập kỷ được các nhà khoa học cho là yếu tố gây ra sự ấm lên của khí hậu toàn cầu cùng với những tác động tiêu cực trên phạm vi địa phương và trên toàn hành tinh. Nó còn là bằng chứng về dấu vết mạnh mẽ của con người đối với các mô hình khí hậu trong các thập kỷ gần đây. Nhiệt độ ở khu vực Bắc Cực đã tăng nhanh hơn gấp hai lần so với nhiệt độ trung bình của toàn cầu trong nửa thế kỷ qua. Băng bao phủ ở Bắc cực cũng ngày một mỏng đi đáng kể trong những thập kỷ gần đây mặc dù không thể đo được sự hao hụt về độ dày một cách chính xác như diện tích trên bề mặt.
Việc theo dõi bằng vệ tinh từ năm 1972 cho thấy phạm vi băng ở biển Bắc Cực đang giảm khoảng 11% mỗi thập kỷ. Giám đốc NSIDC Mác Sơrêdơ (Mark Srerreze) cho biết lớp băng bao phủ trong mùa Hè có thể sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2030 và sẽ không còn gì ngoài đại dương xanh bị nung nóng.
Tuần trước, NSIDC cho biết băng trên biển đã gần như biến mất hoàn toàn khỏi các kênh trên Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage). Trong khi đó, Tuyến đường phía Nam - còn được gọi là tuyến đường của Amunden - cũng không còn băng, giống như Tuyến đường Biển Bắc dọc theo Xibiri (Siberia). Các tổ chức bảo vệ động vật cho biết cho dù băng tan giúp mở ra các tuyến đường vận tải biển mới, song nó sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và kế sinh nhai của các dân tộc bản địa và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quần thể động vật như gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã...