(NTO) Do nhu cầu phát triển kinh tế hộ nên số lượng đàn gia súc tăng cao nhưng phương thức chăn nuôi không mấy thay đổi. Vậy là chất thải cứ “tự nhiên” ở đường thôn, tại chuồng trại quanh nhà. Mùa nắng thì bốc mùi nồng nặc, mùa mưa thì chảy tràn trong thôn xóm. Điều cũng đáng quan tâm, đây chính là môi trường thuận lợi để phát sinh dịch bệnh. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp với mức độ ngày càng nhiều cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, vừa tác động trực tiếp đến người sản xuất vừa gián tiếp đến nhiều hộ dân sống quanh khu vực sản xuất do “đất chật, người đông”.
Nguyên nhân của tình trạng trên đầu tiên phải nói đến ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, thậm chí xem việc giữ gìn vệ sinh môi trường là việc của xã hội chứ không phải là của mỗi gia đình, cá nhân. Mặt khác, do thói quen trong đời sống và sinh hoạt thường ngày. Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng đó là do nhiều địa phương chưa tổ chức việc thu gom và xử lý rác thải ở từng địa bàn dân cư, các khu chợ… còn để mặc cho nhân dân tự lo!
Để giải quyết tình trạng trên, từ kinh nghiệm thực tế ở nhiều phường của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm trong việc làm sạch môi trường nhờ các tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt hằng ngày ở từng khu phố đến điểm tập kết để Công ty Nam Thành vận chuyển đến nhà máy xử lý. Cách làm này không khó ở địa bàn nông thôn nếu quyết tâm thực hiện từ chính quyền địa phương đến nhân dân. Chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương cần thường xuyên tuyên truyền về các vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, yêu cầu chấp hành tốt việc giữ vệ sinh chung gắn với các chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm.
Điều cốt lõi là muốn thay đổi thói quen sống của người dân, tạo ý thức tự giác, hướng đến giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường sạch, đẹp đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ trong vận động thuyết phục.
Tuấn Dũng