Theo đó, trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản.
Trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động đầu vào bằng hoặc lớn hơn 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được điều chỉnh ở mức 5% và báo cáo Bộ Công thương. Sau 5 ngày Bộ Công thương không có ý kiến, EVN được điều chỉnh giá bán điện.
Nếu việc điều chỉnh giá điện ở mức trên 5%, EVN phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính phương án giá điện để thẩm định. Trong thời hạn 10 ngày, Bộ Công thương, Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau 15 ngày làm việc, nếu Thủ tướng chưa có ý kiến trả lời, EVN chỉ được điều chỉnh giá ở mức 5%.
Đối với trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành, EVN được tính toán phân bổ vào giá bán bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5%.
Thông tư cũng quy định, việc trích lập Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi chênh lệch giá nhỏ hơn 0 và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.
Trước đó, theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ Bình ổn giá điện và các biện pháp khác để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Theo SGGP Online