Nguyên nhân gây sốt cao co giật thường gặp là nhiễm khuẩn (đặc biệt là nhiễm virut đường hô hấp trên) và yếu tố tiền sử gia đình về sốt cao co giật.
Về triệu chứng lâm sàng, có hai thể sốt cao co giật là lành tính và có biến chứng. Thường gặp hơn là sốt cao co giật lành tính. Sốt cao co giật lành tính thường chỉ xảy ra ở những bé từ 6 tháng đến 5 tuổi (trong gia đình có anh hoặc em hoặc bản thân bé trước đây đã bị sốt cao co giật).
Cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ khi bị sốt. - Ảnh: Internet
Để chẩn đoán chính xác cần khám kỹ, đặc biệt là khám thần kinh. Nên làm điện não đồ ngay sau cơn co giật và một tuần sau đó để xác định chính xác tình trạng bệnh.
Xử trí khi bé bị co giật
- Bình tĩnh đặt trẻ vào nơi yên tĩnh, thoáng mát, rời xa các vật sắc nhọn, đặt chăn hoặc gối mềm dưới đầu trẻ, để trẻ ở tư thế đầu nghiêng về một bên đề phòng tắc đờm dãi. Nhớ kiểm tra xem trẻ còn thở không, da có tím không.
- Nới rộng quần áo, tã lót cho trẻ.
- Hạ sốt bằng cách lau nước ấm cho trẻ để làm giãn mạch ngoại vi; dùng thuốc hạ sốt paracetamol - loại viên đạn đặt hậu môn.
- Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc ở hậu môn. Trẻ sốt khi nhiệt độ nách trên 370C, còn ở hậu môn là trên 37,80C.
- Không giữ, bế chặt hoặc giới hạn cử động của trẻ. Không cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ, kể cả thuốc hạ sốt paracetamol (efferalgan) trong khi trẻ còn co giật hoặc chưa tỉnh hẳn.
Không nên làm gì?
- Điều cần ghi nhớ là không nên nôn nóng cho bé dùng đồng thời nhiều loại thuốc hạ sốt sẽ dẫn đến vượt quá liều quy định; bởi vì paracetamol dùng liều cao liên tục gây độc cho gan, làm tiêu tế bào gan. Ngay cả các dạng thuốc đặt hậu môn hoặc thuốc dán thì khả năng vượt quá liều quy định vẫn có thể xảy ra, cho nên dùng dạng thuốc hạ sốt nào cũng cần quan tâm đến tổng liều paracetamol có vượt quá ngưỡng quy định hay không.
- Không vắt chanh vào miệng bé vì có thể gây tắc nghẽn đường thở.
- Tuyệt đối không quấn kín bé, không lau mát bằng nước đá với rượu. Bình tĩnh xử trí như hướng dẫn, bé sẽ hạ sốt từ từ. Sau đó, nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi và xử trí với các biện pháp điều trị khác.
Theo Sức khỏe & Đời sống