Cơn bão Irene di chuyển dọc theo bờ biển phía Đông của nước Mỹ theo hướng Nam-Bắc với tốc độ 20km/h, sức gió có thời điểm lên tới 140 km/h. Các cơ quan khí tượng dự báo cơn bão sẽ di chuyển tới bang New England ở phía Bắc trước khi suy yếu.
Tàu sân bay USS Enterprise rung rinh trong cơn bão Irene. Ảnh: AFP
Ngày 27-8, Tổng thống Barack Obama đã đích thân đi kiểm tra công tác đối phó với bão tại trụ sở Cơ quan Đối phó Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 9 bang của Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp của FEMA tại Washington, ông Obama cho biết cơn bão sẽ ảnh hưởng đến 13 bang của Mỹ ít nhất trong 72 giờ. Đây là một đòn giáng mạnh vào nước Mỹ trong thời điểm nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn.
Đại diện của FEMA cho biết cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rộng và tốc độ di chuyển chậm cũng có thể tạo ra các đợt lốc xoáy nguy hiểm, mặc dù chúng không tồn tại lâu. Trong khi đó, các quan chức liên bang lẫn địa phương đều lo ngại về tình trạng an toàn của 11 nhà máy điện hạt nhân dọc theo bờ Đông của Mỹ. Các nhà máy này hiện đã triển khai nhân viên ứng trực để đảm bảo các lò phản ứng hạt nhân được bảo vệ bằng các máy phát điện dự phòng.
Mặc dù bão Irene đã suy giảm xuống còn cấp 1 khi đổ bộ vào bang North Carolina vào sáng 27-8, tốc độ gió vẫn còn 135 km và được coi là rất nguy hiểm. Các quan chức khí tượng cảnh báo người dân không nên coi thường sức tàn phá của bão.
Tại bang North Carolina, chỉ riêng hai hãng cung cấp điện cho biết có hơn 290 nghìn khách hàng bị mất điện. Con số này của bang Virginia hiện là hơn 615 nghìn. Trước khi bão đổ bộ, người dân khu vực ảnh hưởng đã được khuyến cáo tích trữ lương thực, đèn pin để chuẩn bị cho tình trạng mất điện có thể xảy ra. Do sự phụ thuộc quá lớn vào hệ thống thanh toán vào máy tính, nên các cửa hàng của Mỹ không thể hoạt động khi không có điện.
Các hãng hàng không của Mỹ đã phải hoãn ít nhất 6.100 chuyến bay tại các sân bay từ thủ đô Oasinhtơn đến thành phố Boston cho đến ngày 29-8 khiến hàng trăm nghìn hành khách bị ảnh hưởng.
Nguồn Báo SGGP