Đổi mới mạnh mẽ công nghệ giáo dục và đào tạo tại các trường sư phạm

Ngày 27/8, tại Hội nghị trực tuyến các trường sư phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành Giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt công nghệ giáo dục và đào tạo của các trường sư phạm.

Hội nghị trực tuyến các trường sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức qua 6 điểm cầu Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nghệ An và Thái Nguyên về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011-2020. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Ngành Giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ
và quyết liệt công nghệ giáo dục của các trường sư phạm - Ảnh Chinhphu.vn

Nhìn lại giai đoạn 2006 – 2010, Bộ GD&ĐT cho biết, hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên đã cung cấp đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chuẩn hóa và nâng trình độ đào tạo. Cơ sở vật chất đã được nâng cấp một phần và tiếp tục đầu tư mới nên đã tạo ra bộ mặt mới cho hệ thống đào tạo sư phạm trên toàn quốc.

Việc triển khai Nghị quyết 08/NQ-BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT ngày 29/12/2006 khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Nghị quyết nêu ra một số mục tiêu như xây dựng mạng lưới các trường sư phạm, các khoa sư phạm một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên các cấp, về cơ bản đến 2020 giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên trung học có trình độ đại học, trong đó có ít nhất 30% là thạc sĩ trở lên.

Đến năm 2010, 100% giảng viên các trường đại học sự phạm đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015 ít nhất 50% và đến năm 2020, 100% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ.

Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm không quá 20 sinh viên/1 giảng viên vào năm 2015.

Bên cạnh những kểt quả đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 08 vẫn còn nhiều hạn chế. Cá biệt, có cơ sở đào tạo chưa biết có Nghị quyết 08. Điều này đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết đã xác định.

Tính đặc thù của các trường, khoa sư phạm chưa được quan tâm thỏa đáng trong công tác quản lý giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ giáo viên đầu ngành của một số cơ sở đào tạo chưa đủ mạnh. Năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ này còn rất hạn chế.

Chế độ, chính sách cho đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập, chưa tạo ra khuyến khích lao động và nhiệt tình sáng tạo.

Sự phát triển hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay phản ánh năng động của các cơ sở giáo dục đại học nhằm tận dụng khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành nghề khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các cơ sở giáo dục đại học chứ chưa thật sự định hướng bởi quy hoạch tổng thể và xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm địa phương và cả nước.

Nhiều đại biểu dự Hội nghị cho rằng, công tác quy hoạch và tuyển sinh giáo viên sư phạm cần được xem xét và tính toán kỹ hơn nữa vì nhiều địa phương như Hải Dương, Đắc Nông đã xuất hiện tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại khá, giỏi vẫn không thể tìm việc làm. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên mầm non lại quá thiếu và trình độ của đội ngũ này cũng phải đánh giá lại một cách nghiêm túc khi chất lượng đầu vào còn thấp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt công nghệ giáo dục của các trường sư phạm.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị 296/2010/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý đại học giai đoạn 2010 -2012. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, ngành giáo dục cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.

Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT cần đánh giá và xem xét lại mô hình đào tạo của một số trường trung cấp sư phạm hiện có theo hướng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên sư phạm trong tương lai.

Cần xây dựng đề án hiện đại hóa công nghệ đào tạo tại các trường sư phạm, 1 năm/1 lần tổ chức hội nghị các trường sư phạm với từng chuyên đề sâu, sớm hình thành Hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm.

Hàng năm cần có chương trình đánh giá chất lượng của giáo viên từ cấp học mầm non đến phố thông trung học. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế khen thưởng xứng đáng, tạo động lực sáng tạo đối với đội ngũ trồng người, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong tháng 9/2011, Bộ GD&ĐT phê duyệt và ban hành Quy hoạch và phát triển nhân lực cho toàn ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020.

Tính đến nay, cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; gồm 14 trường đại học sư phạm (4.400 giảng viên), 49 trường đại học có khoa/ngành sư phạm,39 trường cao đẳng sư phạm (4.462 giảng viên), 24 trường cao đẳng có khoa/ngành sư phạm., 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.
Nguồn www.chinhphu.vn