Nghị định này chính thức có hiệu lực, ước tính, thu nhập của nhà giáo bình quân tăng thêm khoảng 465.000 đồng/người/tháng.
Để được tính hưởng phụ cấp thâm niên, nhà giáo cần có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng). Mức phụ cấp bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Được biết, ngoài các chế độ quy định chung đối với viên chức và chế độ phụ cấp thâm niên, các nhà giáo còn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) ở các mức: từ 25% đến 70% , tùy theo cấp học, địa bàn và loại hình trường. Trường sư phạm, khoa sư phạm, môn khoa học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh có mức riêng.
Ngoài ra, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ như: Phụ cấp thu hút: 70% (thời gian hưởng tối đa 5 năm); Phụ cấp công tác lâu năm: ở các mức 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung; Trợ cấp lần đầu: 10 tháng lương tối thiểu chung; chế độ trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. …
Ngoài ra, theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT khi trao đổi trên cổng TTĐT Chính phủ, chế độ phụ cấp thâm niên còn có tác động làm tăng phần hưởng lương hưu sau này đối với nhà giáo.
Chế độ phụ cấp thâm niên được ban hành cũng là căn cứ để các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham khảo, hạch toán định mức tiền công đối với nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo VTC News