Thời điểm cận Tết, mỗi ngày các chợ đón hàng nghìn lượt người đến mua sắm. Hoạt động mua bán diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp.
Chợ Phú Quý là một trong những chợ truyền thống lâu đời ở thị trấn Phước Dân với hàng trăm gian hàng, tập trung đầy đủ các nhóm mặt hàng từ trái cây, đồ gia dụng, quần áo đến thịt, cá... Thời điểm này, chợ bày bán nhiều mặt hàng Tết, không khí mua bán sôi nổi. Mỗi ngày, chợ đón hàng trăm lượt khách đến mua sắm đồ dùng, đồ trang trí, các loại thực phẩm thiết yếu như đường, mắm, muối, bánh kẹo. Chị Nguyễn Thùy Trang, tiểu thương ở chợ, cho biết: Lượng khách đến mua hàng tăng đáng kể những ngày gần đây. Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng người dân vẫn luôn mong muốn có cái Tết sung túc, đủ đầy, nên việc bán buôn cũng đắt khách hơn.
Dù chịu sức ép cạnh tranh từ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử, nhưng tiểu thương tại các chợ truyền thống vẫn chủ động đa dạng hàng hóa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Người dân đến với chợ truyền thống dễ dàng mua được thứ mình cần với giá cả phải chăng. Đặc biệt, tại đây, nhiều mặt hàng thực phẩm như thịt cá, rau, củ, quả tươi ngon nên được nhiều người mua.
Chợ Phú Quý (Ninh Phước) nhộn nhịp ngày cận Tết.
Bà Trần Chi Lan, tiểu thương ở chợ Thanh Sơn (Chợ Động), cho biết: Tình hình mua bán khá tốt, hiện nay tôi nhận thêm 2 người phụ bán. Dù biết lượng khách sẽ giảm một phần do nhiều người chuyển qua mua sắm tại các siêu thị và sàn thương mại điện tử, nhưng Tết tôi vẫn nhập đầy đủ, đa dạng các mặt hàng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Chi phí ở chợ truyền thống không cao nhờ vậy chúng tôi vẫn đảm bảo được mức giá phải chăng, cạnh tranh được với các điểm mua sắm lớn.
Các mặt hàng ở chợ truyền thống luôn có sức hút riêng. Ở đó, người mua, người bán trò chuyện cởi mở, thân tình, nên không khí rất gần gũi, ấm áp. Với nhiều người, đi chợ Tết không chỉ là để mua sắm hàng hóa mà đó còn là một nét đẹp văn hóa, gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Điều này càng làm cho hoạt động của chợ truyền thống ngày Tết trở nên nhộn nhịp hơn.
Có mặt ở chợ Thanh Sơn, bà Phạm Thị Ngân ở phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), cho biết: Tôi lớn tuổi rồi và rất thích đi chợ truyền thống. Ngày Tết, chỉ có ở đây mới tìm thấy lá dong, lạt tre để gói bánh chưng và nhiều món ăn truyền thống khác. Người già như chúng tôi đi chợ vừa mua hàng, vừa trò chuyện vui vẻ, thân tình cũng là một thú vui. Không chỉ có người lớn tuổi, hiện vẫn còn nhiều bạn trẻ có sở thích đi chợ quê ngày Tết. Họ tìm đến các ngôi chợ truyền thống để cảm nhận rõ hơn không khí Tết và lưu giữ kỷ niệm mỗi dịp Tết đến.
Em Nguyễn Hoàng Trang, ở thị trấn Phước Dân chia sẻ: Em chưa xây dựng gia đình nên không phải lo lắng, tất bật mua sắm Tết. Tuy nhiên, em lại rất thích đi chợ Tết vì không khí rất nhộn nhịp, vui vẻ. Mọi người gặp nhau, chào hỏi, trò chuyện rôm rả, gần gũi. Đặc biệt, tại chợ truyền thống có nhiều món ăn đậm ký ức tuổi thơ như bánh hòn, bánh quẩy, các quầy hàng chè... Chúng em đi chợ mua sắm một số đồ dùng vật dụng, vừa là để cảm nhận không khí Tết.
Càng gần đến Tết, lượng khách đến với các chợ truyền thống tăng, các tiểu thương bán hàng xuyên trưa và thu dọn hàng trễ hơn vào buổi chiều để phục vụ người tiêu dùng. Ban quản lý các chợ huy động hết nhân lực để làm việc, đảm bảo an ninh trật tự; kiểm tra, theo dõi các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy; nhắc nhở tiểu thương cẩn trọng trong sử dụng các thiết bị dễ gây ra cháy, nổ.
Ngọc Diệp