UNCTAD mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác với Việt Nam

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thị trấn Davos và làm việc tại Thụy Sĩ, Tổng Thư ký Cơ quan Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác lần này.

 Mở đầu cuộc phỏng vấn, bà Rebeca Grynspan đã nêu bật những kinh nghiệm mà UNCTAD có trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại, cũng như những xu hướng thương mại toàn cầu trong thời gian tới.

Chế biến sản phẩm xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản ở nhà máy của Công ty Cồ phần Rau quả An Giang, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: TTXVN)

Bà nói: “Trên thực tế, thương mại vẫn tiếp tục là động lực rất quan trọng, thương mại cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế, bất chấp những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Các rào cản thương mại đang gia tăng trên thế giới, song thương mại năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và chúng ta sẽ đạt đến một tầm cao mới về thương mại. Vấn đề là tốc độ tăng trưởng không nhanh như chúng ta đã có trước đây. Vâng, vì vậy, chúng tôi ủng hộ thương mại và đầu tư, đó là những động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển toàn diện. Và Việt Nam là một ví dụ rất tốt về điều đó".

Nhắc tới Việt Nam, Tổng thư ký Rebeca Grynspan cho biết bà rất ấn tượng trước những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Bà nhấn mạnh: “Việt Nam đã trở thành hình mẫu về những gì một quốc gia còn kém phát triển thành một quốc gia cải thiện phúc lợi và phát triển vì người dân. Vâng, vì vậy, tôi muốn nói rằng, chúng ta có thể đánh giá Việt Nam từ một số góc độ".

"Đầu tiên, có lẽ là giáo dục, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người biết chữ cao nhất. Các bạn thực sự đã làm rất tốt và các bạn sẽ phải tiếp tục duy trì quá trình này. Thứ hai, Việt Nam cũng là một ví dụ về hậu cần và các cảng biển. Hậu cần rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những thách thức mới cũng sẽ đòi hỏi phải cải thiện dịch vụ hậu cần và cảng. Thứ ba, tôi sẽ nói tới đổi mới. Đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ sẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng đối với Việt Nam, mang lại thành công cho tương lai”, Tổng thư ký Rebeca Grynspan cho biết.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn hướng tới những cam kết mạnh mẽ trong các cơ chế hợp tác đa phương. Điều này được thể hiện rõ qua các chuyến công du nước ngoài của giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự WEF tại Davos. Đây là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị này.

Và theo Tổng Thư ký Rebeca Grynspan, việc lãnh đạo Việt Nam tham dự trực tiếp sự kiện ở Davos có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bà nói: “Sẽ có rất đông người tham dự sự kiện ở Davos, bởi họ rất háo hức muốn tìm hiểu về Việt Nam, nên đó cũng là cơ hội để giới thiệu về những gì mà các bạn đã đạt được và mô hình Việt Nam lựa chọn, cũng như lý do tại sao Việt Nam có thể thành công như vậy. Tôi đánh giá hội nghị WEF tại Davos là nơi rất tốt để giới thiệu về Việt Nam”.

Theo nhandan.vn