Trong bản tóm tắt chính sách, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực Tây Á (ESCWA) cho biết mặc dù tổng tài sản hộ gia đình ở khu vực Arab tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, nhưng khoảng cách giữa người giàu và những người sống trong cảnh nghèo đói đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là kể từ năm 2011.
Bản tóm tắt mang tên “Xu hướng không đồng đều trong tích lũy tài sản ở khu vực Arab” nêu rõ khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia thu nhập cao (HIC) và những quốc gia thu nhập thấp (LIC) đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong năm 2022, mức tài sản trung bình của các quốc gia thu nhập cao tăng hơn 31 lần so với những quốc gia thu nhập thấp ở khu vực Arab.
Quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế tại ESCWA, Khalid Abou Ismail, phân tích rằng “các quốc gia thu nhập thấp không chỉ tụt hậu so với những quốc gia láng giềng trong khu vực mà còn tụt hậu trên phạm vi toàn cầu. Sự khác biệt này đe dọa đến sự gắn kết xã hội và ổn định kinh tế. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng là đáng báo động”.
Bến du thuyền Dubai Marina ở thành phố Dubai.
Theo bản tóm tắt, tỷ lệ tài sản quốc gia của 10% những người giàu nhất đã tăng từ 55% trong năm 2000 lên 64% vào năm 2022 ở các nước thu nhập thấp và tăng từ 58% lên 62% ở các nước thu nhập trung bình (MIC). Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thu nhập cao giảm từ 74,7% xuống 69,6% trong cùng thời kỳ.
Báo cáo đánh giá rằng những xu hướng này cho thấy tài sản đang ngày càng tập trung vào những người giàu, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và làm suy yếu các nỗ lực giảm nghèo.
Báo cáo thúc giục một phản ứng chính sách toàn diện để thúc đẩy công bằng tài sản và tăng trưởng toàn diện, đề xuất cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, đánh thuế lũy tiến đối với những tài sản có giá trị cao và chuyển giao tài sản lớn để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ những người thiệt thòi.
Theo TTXVN