Xuất khẩu rau quả cán đích sớm

Thống kê từ ngành hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng 2024 đã có thể mang về khoảng 6,6 tỷ USD, chạm đích trước một tháng.

 Mục tiêu đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ngành hàng rau quả trong năm 2024 là giá trị xuất khẩu ước đạt từ 6 đến 6,5 tỷ USD. Thế nhưng đến thời điểm này, thống kê từ ngành hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng 2024 đã có thể mang về khoảng 6,6 tỷ USD, chạm đích trước 1 tháng. Thành quả này là nhờ vào những thắng lợi tại các thị trường lớn.

Đóng gói xoài Yên Châu, Sơn La xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thắng lợi từ thị trường Trung Quốc

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 11 tháng, xuất khẩu rau quả đều thắng lợi ở nhiều thị trường, mức tăng trưởng đạt trên 2 con số, trong đó tăng nhiều nhất là xuất khẩu tới Thái Lan, Hàn Quốc, Đức và Canada, Trung Quốc và Mỹ. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.

Một trong những thị trường nhập khẩu lớn trái cây của Việt Nam là thị trường Trung Quốc, ước đạt 4,6 tỷ USD, chiếm gần 70% lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Đánh giá về thị trường này, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng, với dân số 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc nên đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác.

Các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Hơn nữa, xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn có lợi thế về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ðây là cơ hội lớn để trái cây Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này.

Mặc dù có nhiều lợi thế về địa lý, song trai cây Việt Nam vẫn đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador. Do đó, doanh nghiệp và nông dân nước ta vẫn phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Ðơn cử, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt...

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, do mùa đông ở phía Bắc Trung Quốc rất lạnh và khắc nghiệt nên việc sản xuất rau củ gặp khó khăn. Thời điểm này, nguồn cung rau củ từ châu Âu, Nhật Bản, Nga... cũng khan hiếm. Trong khi đó, điều kiện khí hậu ở Việt Nam lại có thể thuận lợi sản xuất rau màu vụ Đông, nhất là tại miền Bắc. Vì vậy, khi xuất khẩu chính ngạch, sản xuất rau vụ Đông của Việt Nam sẽ giảm rủi ro và thu được lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiêu thụ rất nhiều thực phẩm chế biến và các thương nhân Trung Quốc cũng nắm giữ hệ thống phân phối thực phẩm lớn nhất. Đây là lợi thế khi Việt Nam hợp tác, liên kết từ đó mở đường cho rau củ quả xuất chính ngạch sang thị trường này.

Nhiều cơ hội giao thương với Mỹ

Mặc dù thị trường Mỹ không thuộc top đầu trong nhập khẩu trái cây của Việt Nam, nhưng đây là thị trường nhập khẩu với giá trị cao và hợp tác song phương đôi bên cùng có lợi. Thị trường Mỹ được các doanh nghiệp ngành hàng trái cây đánh giá là thị trường mang lại lợi thế lớn vì nơi này không sản xuất được những loại trái cây giống như trái cây Việt Nam.

Theo bà Alexis M. Taylor, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Nông nghiệp đối ngoại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khi khai phá bất kỳ thị trường nào cần đầu tư rất nhiều, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Mỹ cần có mặt ở đó để tìm hiểu người tiêu dùng đang mong chờ, kỳ vọng gì… Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy. Hàng nông sản giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam có nhiều điểm có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt là trái cây Việt Nam có nhiều loại không tìm thấy ở Mỹ, vì vậy, còn nhiều dư địa để khai thác. Tại Mỹ có cộng đồng người Việt Nam khá lớn. Do đó, doanh nghiệp nên chọn một khu vực nhất định, một bang hay cộng đồng nào đó nhất định để thâm nhập.

Tính đến nay, đã có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ, bao gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Hồi tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa cùng với Bộ Nông nghiệp Mỹ, đạt được thoả thuận quan trọng trong việc đưa thêm một loại trái cây tươi nữa của Việt Nam vào thị trường Mỹ, đó là chanh leo.

Việc tăng loại trái cây nhập khẩu vào Mỹ cũng được đi kèm với những quy định về đa dạng hoá các hình thức kiểm dịch, các vùng trồng và cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, đảm bảo không có dư lượng thuộc bảo vệ thực vật, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn nấm mốc. Quá trình thu hoạch không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong số các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Mỹ mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam. Mỹ được xác định là thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản, trái cây nhiệt đới chất lượng cao của Việt Nam. Hiện các khâu về kỹ thuật đã được doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ xử lý theo đúng quy định của mỗi bên. Ông Hoàng Trung cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, trái chanh leo Việt Nam sẽ có mặt trên đất Mỹ.

Hiện tại, có một loạt các loại trái cây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo hoàn thiện các hồ sơ kỹ thuật, ví dụ như chanh không hạt, quả mít, hay quả ổi, đây là những loại trái cây mà theo đề xuất của các doanh nghiệp của Mỹ và cộng đồng người Việt rất mong muốn những loại trái cây này sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để thuận lợi trong các khâu cho những loại trái cây sắp đàm phán xuất khẩu vào Mỹ, thì cũng đã có doanh nghiệp đầu tư triển khai kế hoạch nhập khẩu các lô hàng lớn ngành thực phẩm và trái cây từ Việt Nam sang Mỹ.

Đây là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của Mỹ.

Theo baotintuc.vn