Đóng góp chính cho tăng trưởng của huyện Bác Ái trong năm 2024 là lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhờ tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, việc tổ chức điều tiết nước hợp lý và tiết kiệm nên trong năm 2024 đã gieo trồng đạt trên 13.000ha, đạt 109,2% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất trồng trọt năm 2024 đạt 320,5 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2023. Sản lượng ước đạt trên 20.000 tấn, đạt vượt 113,3% kế hoạch. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 343ha, đạt 114,6% kế hoạch; công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng được quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ. Trong chăn nuôi, huyện thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, toàn huyện đã phát triển trên 94.000 con gia súc, đạt 100,4% kế hoạch. Duy trì 41 trang trại và 17 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Các chuỗi trang trại liên kết sản xuất trong chăn nuôi heo, thủy sản, lúa gạo tiếp tục phát huy hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra khoán bảo vệ rừng được tăng cường, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,5% so với năm 2023, chủ yếu tăng ở lĩnh vực xây dựng. Trong đó, giá trị sản xuất phân theo ngành công nghiệp đạt 248,8 tỷ đồng, tăng 7,3%, chủ yếu phát triển ở lĩnh vực điện năng lượng; giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 820 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2023.
Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân huyện Bác Ái phát triển kinh tế. Ảnh: K.Hân
Công tác quản lý tài nguyên, môi trường tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2030; kế hoạch SDĐ năm 2024 và lập kế hoạch SDĐ năm 2025 theo quy định. Phê duyệt đồ án quy hoạch chung 9/9 xã và công bố theo quy định; quy hoạch chi tiết các điểm dân cư; hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng huyện Bác Ái đến năm 2025 và tiếp tục thực hiện điều chỉnh Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bác Ái đến năm 2030. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh kê khai đăng ký gắn với công tác cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, tập trung tháo gỡ những khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ tại những dự án tái định canh, tái định cư. Phê duyệt phương án quản lý, SDĐ đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng của các xã. Hoàn thành cơ sở dữ liệu tài sản công là nhà, đất trên địa bàn huyện đồng thời cập nhật thông tin biến động tài sản công theo đúng quy định. Tiếp tục triển khai kế hoạch đề án tăng thu từ nguồn lực đất đai giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; công tác thu hồi, bồi thường được thực hiện theo quy định, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.
Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và đề án cơ chế chính sách đặc thù trên địa bàn huyện, đến ngày 20/11/2024 đã giải ngân đạt 67,96%; rà soát kỹ các đối tượng và thực hiện hỗ trợ đối với các dự án thuộc chính sách thuộc 3 chương trình MTQG năm 2024 đúng theo quy định. Rà soát thực trạng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), đến nay huyện đã đạt 5/9 tiêu chí và bình quân mỗi xã đạt trên 13,67 tiêu chí...
Nông dân huyện Bác Ái thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn xã Phước Chính.
Đồng chí Phan Ninh Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025 huyện Bác Ái tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư chọn lọc tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp chế biến thức ăn gia súc; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch...; tăng cường đổi mới, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển KT-XH; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM; ổn định diện tích sản xuất cây ngắn ngày, nhất là cây lúa để đảm bảo an ninh lương thực gắn với xây dựng cánh đồng lớn; chuyển dịch bền vững, hiệu quả sang trồng cây dài ngày, thí điểm mô hình chống hạn gắn với giảm nghèo và sinh kế bền vững; tiếp tục duy trì ổn định và phát triển ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chính trong nội bộ ngành nông nghiệp; triển khai hiệu quả các chương trình MTQG xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời tiếp tục thực hiện xây dựng, phát triển đô thị loại V tại xã Phước Đại giai đoạn 2021-2025; từng bước hình thành các sản phẩm OCOP, các chuỗi giá trị sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp; tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội đáp ứng tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng công tác dự phòng, bảo đảm không xảy ra dịch bệnh. Giải quyết tốt việc làm và các vấn đề xã hội, trọng tâm giảm nghèo bền vững. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Kha Hân