Tác giả đã sử dụng những bức ảnh tư liệu quý giá về cuộc làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Bác Hồ; về đoàn xe đạp thồ với “khoảng 260.000 chiếc" vượt qua rừng rậm đi dưới làn bom napal của thực dân Pháp để tiếp viện chiến dịch Điện Biện Phủ, rồi hình ảnh các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam vẫy cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng De Castries, ngày 7/5/1954, tại chiến dịch Điện Biên Phủ; ảnh xe tăng Việt Nam đâm đổ cánh cổng Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn giành chiến thắng kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước… để minh họa cho cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cuộc đời ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam trước đây.
Trong bài báo của mình, Daniel Roussel thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà chiến lược quân sự tài ba của Việt Nam, từ sinh trưởng cho tới khi trở thành vị Đại tướng, chỉ huy cuộc đấu tranh của quân đội và nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trước thực dân Pháp với trận Điện Biên Phủ vang dội địa cầu.
Tác giả cũng nêu bật vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước cũng như những đóng góp của ông đối với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam.
Tác giả viết: "Năm 1986, ông ủng hộ cho chính sách đổi mới về kinh tế đất nước, chính sự đổi mới này đã đưa Việt Nam đi lên trên con đường phát triển. Ông luôn gần gũi nhân dân và thấy được mọi khó khăn của người dân."
Bài báo cũng có đoạn: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại một làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam, trong một gia đình trồng lúa. Nhưng rồi lần lượt ông đã trở thành giáo sư, nhà báo, nhà lãnh đạo chính trị và Đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam. Ông sinh ra không hề được báo trước là sẽ trở thành một thiên tài về quân sự. Nhưng năm 1940, khi lần đầu tiên ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, ông bắt đầu nghiên cứu các vấn đề quân sự và những thao lược quân sự trong sách giáo khoa của Pháp. Ông nghiên cứu nghệ thuật chiến tranh như từng nghiên cứu chủ nghĩa Mác…"
Tác giả cũng cho biết, bài viết này là kết quả của hàng chục lần tác giả được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả tình cảm quý mến và sự kính trọng.
Theo ông, Đại tướng là con người rất dễ chịu, thạo nói tiếng Pháp, có cái nhìn trực diện và cái bắt tay chắc nịch. Đây cũng chính là những biểu hiện của người lãnh đạo.
Kể lại những kỷ niệm của tác giả khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông ở tuổi 30, tác giả Daniel Roussel cho biết trong những cuộc gặp này không bao giờ có vấn đề gì bị coi là cấm kỵ không được đề cập đến. Nhưng khi gặp một vấn đề khó chịu, giọng Đại tướng trở nên đanh lại. Ông là con người của sự nhiệt huyết và là "vị tướng của hòa bình.”
Daniel Roussel viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam - nhà chiến lược đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh của thực dân Pháp; năm 1973 buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt sự xâm lược Việt Nam và năm 1975, làm tan rã quân đội “bù nhìn” miền Nam Việt Nam thống nhất đất nước. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược chiến tranh nhân dân.”
Nhưng theo Daniel Roussel, trước hết đối với nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại diện cho một trong những người trung thành với tư tưởng Hồ Chí Chí Minh - người đã khai sinh ra nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam