Để đảm bảo cập nhật thông tin chính xác và phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý dân cư, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, bổ sung thông tin dân cư, đặc biệt là các phường mới sáp nhập, nơi có nhiều biến động về địa giới hành chính.
Là một trong 2 phường mới sáp nhập, Công an phường Kinh Dinh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) nhằm phục vụ hiệu quả quá trình CĐS, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong cải cách hành chính. Để Đề án 06 mang lại hiệu quả, sau sáp nhập Công an phường tổ chức kiện toàn lại Tổ công tác Đề án 06; thường xuyên thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Đồng thời, phối hợp với Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tổ chức đăng ký tài khoản ĐDĐT lưu động tại phường. Với phương châm “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, đơn vị đã bám sát các nội dung chỉ đạo của cấp trên, huy động tối đa lực lượng để quyết tâm hoàn thành công việc. Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi ngày có khoảng 20 người dân được hướng dẫn chi tiết về các thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, đồng thời được hỗ trợ đăng ký, cập nhật thông tin cá nhân một cách thuận tiện qua Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia.
Công an phường Kinh Dinh thực hiện kích hoạt mã định danh điện tử cho người dân.
Đại úy Trương Đình Phúc, Phó trưởng Công an phường Kinh Dinh cho biết: Nhằm giúp người dân hiểu rõ về lợi ích và ý nghĩa của Đề án 06 trong CĐS quốc gia, Công an phường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, đơn vị đã tập trung tuyên truyền giúp người dân về việc thay đổi trụ sở làm việc sau sáp nhập; hiểu rõ quy định, ý nghĩa, lợi ích của việc cấp căn cước gắn chíp điện tử và mã ĐDĐT; những quy trình, thủ tục, các bước thu nhận hồ sơ, kê khai, cập nhật dữ liệu thông tin cá nhân, các tiện ích thông qua căn cước gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID. Sau khi sáp nhập, phường Kinh Dinh có 6.805 hộ với 24.717 nhân khẩu. Tuy nhiên, vì đang chờ nghị quyết của HĐND thông qua việc thành lập các khu phố nên công tác cấp căn cước và chuyển đổi dữ liệu cư dân thuộc phường Mỹ Hương, Tấn Tài (cũ) vẫn chưa thể triển khai ngay.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi, số hóa các TTHC nên người dân đã tích cực tham gia, đồng hành, ủng hộ lực lượng công an trong việc cấp, đổi căn cước gắn chíp điện tử; tham gia sử dụng các DVC trực tuyến khi thực hiện TTHC trong các lĩnh vực, như: Đăng ký, quản lý cư trú; đăng ký, cấp biển số xe, giấy phép lái xe; phòng cháy, chữa cháy... Chị Nguyễn Minh Nguyên, phường Kinh Dinh chia sẻ: Được cán bộ tuyên truyền, nhắc nhở, sau khi sáp nhập phường mới tôi liền đi đăng ký ĐDĐT mức 2 để thuận lợi hơn khi thực hiện TTHC, đặc biệt dùng thẻ bảo hiểm đi khám bệnh...
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tính đến ngày 5/11, Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã cấp 181.847 căn cước cho người dân, trong đó có nhiều tỷ lệ đạt cao như căn cước cho người từ 14 tuổi trở lên đạt 98%; căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt 74,5%... Hướng dẫn đăng ký cho 208 cơ sở lưu trú trên địa bàn sử dụng phần mềm quản lý lưu trú ASM. Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, chính xác đảm bảo thuận lợi cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án 06 của Chính phủ. Cập nhật đối tượng được hưởng trợ cấp an sinh xã hội theo dữ liệu từ bộ, ban, ngành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 8.191 trường hợp. Riêng trong tháng 10, đã tiến hành số hóa 103 kết quả giải quyết TTHC, 122 thành phần hồ sơ TTHC khi tiếp nhận, đạt 100%... Qua đó, góp phần xây dựng một hệ thống dữ liệu dân cư chính xác, hỗ trợ hiệu quả cho công tác an ninh trật tự và cải cách hành chính.
Đồng chí Lê Quang Dũng, Trưởng Công an Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Với mục tiêu thực hiện hiệu quả Đề án 06, thời gian tới Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đề ra theo lộ trình của đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư. Tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất bổ sung trang thiết bị phục vụ triển khai DVC trực tuyến, công tác số hóa hồ sơ. Chọn lựa, bố trí cán bộ đảm bảo yêu cầu về năng lực đảm nhận công tác tiếp nhận, giải quyết các DVC trực tuyến. Đơn vị tham mưu kiện toàn Tổ công tác Đề án 06 của UBND thành phố, phường, xã, khu phố. Thông qua các tổ công tác góp phần xây dựng đội ngũ “hạt nhân kỹ năng số” tiên phong trong thực hiện DVC trực tuyến, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy CĐS tại địa phương.
Mỹ Dung