Tin vui từ xuất, nhập khẩu tháng 7 và 7 tháng đầu năm được thể hiện trên nhiều mặt. Quy mô kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt trên 9,32 tỷ USD, tăng 10,2% so với mức của tháng 6 (8,46 tỷ USD), vượt xa so với mức bình quân 1 tháng trong 6 tháng đầu năm (7,2 tỷ USD) và cao nhất từ trước tới nay.
Tốc độ tăng giảm XNK và nhập siêu 7 tháng so với cùng kỳ 2010 (%). Nguồn số liệu: Tổng cục Hải quan
Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt trên 52,5 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, cao hơn mức của cả năm trong các năm từ 2007 trở về trước. Nếu các tháng cuối năm nay tăng bằng với mức bình quân của 6 tháng, thì cả năm sẽ vượt qua mốc 86 tỷ USD, kéo theo nhiều chỉ tiêu về xuất khẩu đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay (tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu bình quân đầu người, tỷ lệ xuất khẩu so với GDP,…).
Tăng trưởng cao của xuất khẩu đạt được cả ở khu vực kinh tế trong nước (37,1%), khu vực dầu khí (43,7%), khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (34,1%).
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở 35/39 mặt hàng chủ yếu (chỉ có 4 mặt hàng kim ngạch bị giảm là hóa chất; ản phẩm mây, tre, cói, thảm; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện). Tăng cao hơn tốc độ chung có 16 mặt hàng, trong đó có những mặt hàng tăng rất cao, như cà phê; hạt tiêu; sắn và sản phẩm từ sắn; dầu thô, quặng và khoáng sản khác; sản phẩm hóa chất; chất dẻo nguyện liệu; cao su; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù; xơ, sợi dệt các loại; đá quý, kim loại quý và sản phẩm; sản phẩm từ sắt thép; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Mới qua 7 tháng, đã có 15 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên tăng 5 nhóm, mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (xăng dầu các loại; cao su; xơ, sợi dệt các loại; điện thoại các loại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng), cao nhất là hàng dệt may 7,6 tỷ USD; tiếp đến là dầu thô gần 4,3 tỷ USD; giày dép các loại trên 3,6 tỷ USD; hàng thủy sản gần 3,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện gần 2,6 tỷ USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm trên 2,3 tỷ USD; gạo trên 2,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ gần 2,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác gần 2 tỷ USD; cao su trên 1,6 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng trên 1,2 tỷ USD; xăng dầu các loại gần 1,2 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại trên 1 tỷ USD.
Tăng trưởng kim ngạch của các mặt hàng xuất khẩu do cả 2 yếu tố. Tăng về lượng xuất khẩu có cà phê; gạo; sắn và sản phẩm từ sắn; xăng dầu các loại; quặng và khoáng sản khai thác; chất dẻo nguyên liệu; cao su; xơ, sợi dệt các loại; sắt thép các loại,… Tăng về giá xuất khẩu đã mang lại kim ngạch khá (chẳng hạn dầu thô giá tăng 46%, làm tăng 1,42 tỷ USD; cà phê giá tăng 55,4%, làm tăng 918 triệu USD; cao su giá tăng 58,7%, làm tăng 593 triệu USD; hạt điều giá tăng 45,8%, làm tăng 219 triệu USD; gạo giá tăng 1,6%, làm tăng 36 triệu USD...)
Về thị trường xuất khẩu, mới qua 7 tháng đã có 13 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Nam Phi, Australia, Singapore, Campuchia, Anh, Hàn, Indonesia). 13 thị trường này đạt 35,34 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường lớn có mặt ở cả 5 châu lục.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vị thế xuất siêu lớn (từ 500 triệu USD trở lên) đối với 10 thị trường (ví dụ Hoa Kỳ, Nam Phi, Campuchia, Anh, Hà Lan…).
Tháng 7 là tháng lần đầu tiên sau 17 tháng chúng ta đã xuất siêu (1,1 tỷ USD). Nhập siêu 7 tháng ở mức 5,41 tỷ USD, giảm gần 2,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu ở mức 10,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhập siêu 19,4% của cùng kỳ năm trước, thấp hơn tỷ lệ 18% theo Nghị quyết của Quốc hội và tỷ lệ 16% theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Do vậy, áp lực đối với cán cân thương mại, cán cân thanh toán, đối với tỷ giá cũng giảm bớt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Nguồn www.chinhphu.vn