Năm 2005, khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, khái niệm “Chỉ dẫn địa lý” đã được biết đến trong khoản 22 điều 4: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”.
Cà phê nhân Buôn Ma Thuột, một nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: HNMO
Cụ thể, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa.
Bên cạnh đó, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Theo Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng Phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay Cục đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và bảo hộ cho 27 sản phẩm tại Việt Nam, trong đó đa số là các nông sản như: Nước mắm Phú Quốc, Chè Shan tuyết Mộc Châu, Cà phê nhân Buôn Ma Thuột, Bưởi Đoan Hùng, Hoa hồi Lạng Sơn…
Không dừng lại ở ý nghĩa đơn thuần là giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ địa lý của hàng hóa, chỉ dẫn địa lý còn đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng của sản phẩm, bao gồm những đặc điểm của sản phẩm mà chỉ có được do nguồn gốc địa lý của nó, chẳng hạn như khí hậu, đất đai hoặc các phương thức sản xuất truyền thống.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang hứa hẹn rất nhiều hiệu quả tích cực về kinh tế, về việc minh bạch và nhận diễn rõ những sản phẩm có chất lượng và xuất xứ cụ thể, về việc hướng nông dân tới việc chuyên nghiệp hơn khi sản xuất và cơ hội quảng bá từng địa phương vùng miền của Việt Nam đến thế giới thông qua những “đặc sản” của vùng mình… nhưng hiện nay rất ít người biết đến việc bảo hộ này và trên thức tế cũng chưa có một tổng kết cụ thể nào về những hiệu quả kinh tế chỉ dẫn địa lý mang lại.
Bất cập từ nhiều phía
Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, cần có một tổ chức độc lập khách quan thường xuyên kiểm chứng để đảm bảo những sản phẩm này luôn giữ được những đặc tính đúng như mô tả trong chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một điều luật nào quy định việc thành lập một tổ chức như vậy.
Bên cạnh đó, cũng chưa có một biểu tượng chung trên nhãn mác cuả các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng có thể dễ nhận biết và lựa chọn.
Theo ông Lưu Đức Thanh, hiện một số địa phương đã gắn các biểu tượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình như Thanh long Bình Thuận, Vải thiều Lục Ngạn ,Cam Vinh, Nước mắm Phú Quốc... nhưng các biểu tượng này khác nhau nên cũng chưa tạo được sự phổ cập về hình ảnh sản phẩm.
Một thực tế khác là nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý được các thương lái trong nước đến tận vườn thu mua với giá thấp sau đó bán lại trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu với giá cao hơn khi họ chỉ ra được đây là những sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Nông dân vẫn “nhìn nhau” trong địa phương để ra giá bán mà không biết những giá trị được đẩy lên cao nhờ chỉ dẫn địa lý đã rơi vào tay thương lái.
Như vậy, việc sản xuất, gia nhập vào một mô hình mới như thế này cần có một hiệp hội để liên kết những người dân, địa phương được bảo hộ sản phẩm lại để có tiếng nói chung cũng như giải quyết các vấn đề về luật pháp khi có sự vi phạm bảo hộ.
Tất cả những bất cập nêu trên khiến cho bảo hộ chỉ dẫn địa lý – một cơ hội lớn để gia tăng giá trị các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam đang bị mờ đi ngay từ khi nó còn đang chưa thực sự được biết đến.
Công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần được làm tốt từ việc hoàn thiện thể chế và bộ máy hoạt động thì mới có thể tính đến việc truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm. Từ đó, nâng cao ý thức xã hội từ người quản lý, người sản xuất, cho đến người tiêu dùng để những sản vật của Việt Nam sẽ đem lại cuộc sống xứng đáng cho người nông dân, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là thông điệp về hình ảnh, về con người và một đất nước có nền nông nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Nguồn www.chinhphu.vn