Tăng cường các giải pháp điều hành giá những tháng cuối năm 2011

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp điều hành giá, nhờ đó, phần nào ổn định mặt bằng giá của nền kinh tế. Nhằm mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 17% như Chính phủ đã đề ra, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cụ thể để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ổn định giá nhiều mặt hàng quan trọng

Trong 7 tháng đầu năm 2011, Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp bình ổn giá trong lĩnh vực tài chính như: Chỉ đạo các biện pháp tài chính góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ; Công tác bình ổn giá trong dịp Tết Tân Mão; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Với việc triển khai quyết liệt đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Về giá điện từ 1/3/2011, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 165đ/kwh (15.28%), trong đó: chưa tính đủ chi phí mới phát sinh, tỷ giá vẫn tính 19.500 VND/USD; lỗ do phát điện giá cao năm 2010 tạm thời “khoanh lại”; tại thời điểm tính giá không tính lợi nhuận của ngành điện.

Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với những mặt hàng Nhà nước còn quản lý giá, ngày 15/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-Ttg về việc thực hiện cơ chế điều chính giá bán điện theo cơ chế thị trường, có hiệu lực từ ngày 1/6/2011.

Về giá than, theo quy định hiện hành, giá than thuộc danh mục đăng ký giá. Giá than bán cho điện được tăng thêm 5% cùng với điều chỉnh giá điện (chỉ bằng khoảng 28-32% giá than xuất khẩu cùng loại) và giữ ổn định đến nay; giá than bán cho các hộ tiêu dùng trong nước tăng từ 01/4/2011 và giữ ổn định đến nay (trong đó giá than bán cho các hộ nhỏ lẻ tăng từ 19% đến 49%; giá than bán cho sản xuất xi măng, giấy, phân bón tăng từ 18,74 đến 41%).

Về giá xăng dầu, hiện nay, giá xăng dầu được quản lý và điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP.

Trong 7 tháng đầu năm, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước, cần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát và từng bước xoá bao cấp qua giá và điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu và sử dụng thuế, quỹ bình ổn giá, góp phần ổn định mặt hàng xăng, dầu trên cả nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu ở mức có kiềm chế (ngày 24/2/2011 và ngày 29/3/2011). Mức giá điều chỉnh tăng lần thứ nhất (ngày 24/2/2011) từ 16-24% tuỳ loại, bằng khoảng 15-57% mức phải điều chỉnh. Lần thứ hai (ngày 29/3/2011) điều chỉnh tăng giá từ 10,36-13,51% tuỳ loại, bằng khoảng 34,73-50,27% mức phải điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Cùng với đó, sử dụng linh hoạt công cụ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu trong đó đã giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với xăng và diezel (từ 14/01/2011) và tiếp tục đối với dầu hoả, ma zút (từ 24/2/2011); đến ngày 9/6/2011 tăng thuế nhập khẩu đối với diezel và dầu hoả lên 5%; còn xăng và ma zút vẫn duy trì ở mức thuế nhập khẩu 0%.

Đặc biệt, trong tháng 1 cho đến trước ngày 24/2/2011, liên Bộ Tài chính-Công Thương đã cho phép doanh nghiệp tiếp tục tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; sau đó, do Quỹ bình ổn giá đã hết nên đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giảm thuế nhập khẩu; từ 9/6/2011 đã điều hành yêu cầu doanh nghiệp tăng mức trích Quỹ bình ổn giá đối với xăng thêm 100đ/lít (thànhh 400đ/lít) để tạo nguồn cho xử lý bình ổn giá trong thời gian tới.

Với các biện pháp điều hành trên, giá xăng dầu trong nước giữ cố định từ ngày 29/3/2011, qua đó đã góp phần quan trọng bình ổn giá thị trường từ tháng 5 đến nay.

Đối với hàng hoá dịch vụ khác cũng tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý giá và pháp luật có liên quan.

Về giá cước vận chuyển hành khách bằng máy bay, theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính quy định khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền. Ngày 22/4/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-BTC về khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền; theo đó, mức cước tăng bình quân khoảng 23%.

Về giá nước sạch sinh hoạt, theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính quy định khung giá nước tiêu thụ nước sạch sinh hoạt; UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể. Trong 7 tháng đầu năm 2011, có 11 địa phương (Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Đồng Nai, Quảng Trị, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Tp.Hồ Chí Minh) điều chỉnh tăng giá nước sạch, mức tăng khoảng 800đ/m3.

Hiện Cục Quản lý giá đang phối hợp với các địa phương thực hiện khảo sát tình hình thực hiện Thông tư số 95/2009/TTLT/BTC-BXD-BNN ngày 19/5/2009 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch để chuẩn bị trình Bộ xem xét bổ sung, sửa đổi Thông tư.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng 17% như chỉ tiêu của Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, tập trung giải quyết các vấn đề từ gốc của giá cả là chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ hai, kiên định thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm khống chế tổng cầu của nền kinh tế mà Nghị quyết 11/NQ-CP đã đề ra.

Thứ ba, bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hoá, dịch vụ trong mọi tình huống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá. Sắp xếp lại tổ chức mạng lưới lưu thông hợp lý, tránh đẩy chi phí lưu thông tăng cao. Rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp về tiếp cận vốn, lãi suất, thuế… cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển để tăng cung cho thị trường, giảm chi phí tạo ra cơ hội giảm sức ép đẩy giá tăng.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng thao túng thị trường giá cả. Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối.

Thứ năm, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; tiếp tục có lộ trình thích hợp để xoá bao cấp qua giá đối với các loại hàng hoá dịch vụ còn bao cấp và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát như: điện, xăng dầu, nước sạch, than bán cho điện…đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương biện pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, giảm thiểu các yếu tố tâm lý tác động đến giá cả thị trường.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam