Tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích

UBND tỉnh vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH), danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các ban, bộ, ngành trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh... nhiều di tích LS-VH, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê và xếp hạng các cấp. Đến nay, toàn tình có 239 di sản văn hóa (DSVH) được đưa vào danh mục kiểm kê, 66 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp tỉnh, bao gồm di tích lịch sử cách mạng, đình, đền, miếu, tháp Chăm); 5 DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO đưa vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ninh Thuận là một trong số 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Du khách tham quan Tháp Poklong Garai - Di tích cấp quốc gia đặc biệt tại phường Đô Vinh (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Nhằm phát huy hiệu quả giá trị của các di tích, DSVH, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh quê hương Ninh Thuận, thu hút đông đảo du khách tham quan, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích LS-VH, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích LS-VH, danh lam thắng cảnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn DSVH với phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh; bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định; góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị DSVH dân tộc Việt Nam...