Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, cộng đồng chức sắc, đồng bào Chăm Bàlamôn trên địa bàn tỉnh đã chung tay thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng như tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh của Việt Nam nói chung và văn hóa Chăm đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Đặc sắc Lễ hội Katê
Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 1 đến 3/10, được tổ chức tại 3 đền, tháp Chăm: Tháp Po Klong Garai (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), tháp Po Rome và đền Po Ina Nagar (Ninh Phước).
Lễ hội Katê hằng năm thu hút đông du khách đến tham quan. Ảnh: Thái Huy
Trong đó, tại phần lễ sẽ diễn ra với các hoạt động như: Rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng và mặc y phục, đại lễ. Không khí lễ được điểm tô bởi những điệu múa dân gian hòa trong nền nhạc trầm, bổng của đàn Kanhi; rộn ràng, tươi vui với tiếng trống Ghi-năng, Ba-ra-nưng... Sau ngày lễ chính, Lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng, tộc họ và gia đình người Chăm Bàlamôn. Đây cũng là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê sum họp với người thân, gia đình. Nhằm tạo không khí vui tươi ở phần hội, tại các làng Chăm cũng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi mang tính gắn kết cộng đồng như: Đội nước, đẩy gậy, múa cổ truyền, ngâm Ariya... thu hút sự tham gia của đông đảo bà con đồng bào Chăm, du khách khắp nơi đến tham dự. Tất cả tạo nên một Lễ hội Katê rực rỡ sắc màu và đậm đà bản sắc văn hóa Chăm.
“Tiếp lửa” di sản văn hóa
Theo Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlammôn tỉnh Ninh Thuận, đến nay Lễ hội Katê vẫn được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn từ thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, thành phần tham gia cúng lễ, trang phục, lễ vật dâng cúng cho đến nghi lễ thực hiện của các chức sắc tham gia hành lễ... Kết quả trên là “tổng hợp” từ sự chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy từ nhiều cá nhân, tập thể, cộng đồng. Trong đó, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ trong công tác bảo tồn và tôn vinh các giá trị về vật thể và phi vật thể liên quan đến Lễ hội Katê nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Cụ thể, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp xây dựng, lập và trình các hồ sơ khoa học đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, công nhận. Đơn cử, năm 2017, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận được công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hay mới đây nhất là bia Phước Thiện và tượng thờ Vua Po Klong Garai được công nhận là hai bảo vật quốc gia... Song song đó, tỉnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối, tổ chức Lễ hội Katê với các danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu về giá trị của di sản, góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn trao đổi kế hoạch tổ chức Lễ hội Katê 2024.
Trong cộng đồng Chăm Bàlamôn, đội ngũ chức sắc, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người có uy tín... cũng đang có những đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy lễ hội bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất. Điển hình như, ông Quảng Văn Đại, xã Phước Hậu (Ninh Phước) được ví như “báu vật” của đồng bào Chăm. Với mong muốn ghi chép và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Chăm, hơn 40 năm qua, ông Đại đã dành toàn bộ thời gian đi khắp các làng Chăm ghi chép lại những phong tục, tập quán văn hóa của người Chăm và biên dịch các tài liệu, thư tịch cổ Chăm ra tiếng Việt, trong đó có nhiều tài liệu liên quan đến các nghi thức, nghi lễ của Lễ hội Katê. Bản thân ông hiện đang lưu giữ khoảng 200 cuốn tài liệu và thư tịch cổ của người Chăm, trong đó có những thư tịch cổ có niên đại hơn 100 năm. Hay đội ngũ người có uy tín đồng bào Chăm tham gia vận động, tuyên truyền, lan tỏa các giá trị đặc sắc Katê đến bà con địa phương, nhất là đối với thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về trách nhiệm, vai trò bản thân để tiếp tục “tiếp lửa” cho di sản trong tiến trình hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa.
Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tổ chức Lễ hội Katê một cách trang trọng, quy mô tạo được sự kết nối, đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Chăm nói riêng cũng như đồng bào cả tỉnh nói chung. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, thăm hỏi, động viên các vị chức sắc tôn giáo, các gia đình chính sách và một số gia đình... Đây chính là động lực, sức mạnh để người Chăm tiếp tục giữ gìn nguyên vẹn lễ hội; nỗ lực, cống hiến xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày một phát triển, giàu mạnh. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Lê Thi