Các làng nghề truyền thống ở Ninh Phước hướng tới Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI

Được tổ chức từ ngày 27 đến 29/9, tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024 (Ngày hội) là dịp để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm sinh sống trên địa bàn tỉnh đến với người dân cả nước. Trong không khí hân hoan hướng tới Ngày hội, đồng bào Chăm sinh sống tại làng Bàu Trúc và Mỹ Nghiệp thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đang tất bật các hoạt động chuẩn bị.

Khu phố Bàu Trúc là nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống và có làng nghề gốm được UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hứa hẹn là một trong những điểm tham quan, thu hút du khách trong thời gian diễn ra Ngày hội. Để chuẩn bị cho Ngày hội, khu phố Bàu Trúc tiến hành họp bàn chuẩn bị nhân lực tham gia phần thi ẩm thực Chăm, chọn nghệ nhân trình diễn, giới thiệu nghề làm gốm. Trước đó, có 2 cá nhân đã được tuyển chọn tham gia cùng đội văn nghệ của tỉnh tham gia tập luyện các tiết mục văn nghệ giới thiệu văn hóa Chăm phục vụ xuyên suốt thời gian diễn ra Ngày hội.

Nghệ nhân làng dệt Mỹ Nghiệp tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ khách tham quan Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI diễn ra tại Ninh Thuận. Ảnh: V.Nỷ

Là một trong 2 cá nhân được lựa chọn tham gia đội văn nghệ, em Lộ Minh Hoàng Trân, ở khu phố Bàu Trúc phấn khởi chia sẻ: Em rất vinh dự được là người con dân tộc Chăm biểu diễn các điệu múa của người đồng bào mình phục vụ người dân và du khách về tham dự Ngày hội. Hiện nay, chúng em đang tích cực tập luyện, hy vọng đóng góp một phần công sức vào thành công chung của Ngày hội.

Tại nhà trưng bày gốm Chăm Bàu Trúc, anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc cho biết: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI là cơ hội để làng nghề gốm Bàu Trúc chúng tôi thu hút du khách và quảng bá sản phẩm. Sẵn sàng phục vụ Ngày hội, các nghệ nhân, hộ gia đình làm gốm trong làng đang tất bật tạo ra những sản phẩm ưng ý đẹp mắt.

Cách đó không xa, tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ nghiệp, sáng ngày 15/9, diễn ra cuộc họp để lựa chọn người tham gia biểu diễn dệt thổ cẩm tại Ngày hội. Mỗi cá nhân được lựa chọn tham gia Ngày hội đều nhận thức rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm cho biết: Qua cuộc họp, chúng tôi lựa chọn được 10 nghệ nhân tham gia biểu diễn tái hiện đầy đủ các công đoạn tạo nên một sản phẩm dệt từ khi quay tơ đến hoàn chỉnh sản phẩm.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: H.Lâm

Bà Phú Thị Mỹ Phường và Quảng Thị Tám là hai trong số 10 cá nhân được lựa chọn. Đều sinh ra và lớn lên ở làng dệt Mỹ Nghiệp, có 60 năm tuổi đời với 45 năm tuổi nghề, hai bà cho biết: Rất vui mừng khi đại diện cho cộng đồng người Chăm tham gia biểu diễn quảng bá nghề truyền thống của làng đến với đông đảo quan khách nhiều tỉnh, thành phố về dự Ngày hội. Chúng tôi hy vọng qua hoạt động này, làng nghề truyền thống và sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp sẽ vang xa hơn, các sản phẩm làm ra được khách hàng đón nhận và tin dùng.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ IV tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 diễn ra gần với dịp Lễ hội Katê 2024 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn nên bà con rất vui mừng, phấn khởi. Tại hai làng nghề truyền thống lâu năm gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, niềm vui nhân lên nhiều lần khi vừa trải qua ngày Tết Độc lập đắt khách tham quan, mua sắm cộng với mùa màng bội thu giá cả, năng suất lúa đạt cao. Giờ đây, trong nhà, ngoài chợ, câu chuyện chuẩn bị cho Ngày hội và Lễ hội Katê là đề tài thu hút sự quan tâm của người dân địa phương, ai ai cũng hào hứng, chờ đợi.