Liên hợp quốc đã công bố dự thảo về tài chính khí hậu và sẽ đưa ra thảo luận tại COP29. Tài liệu mang tên Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG), với mục tiêu thay thế cam kết của các nước phát triển đóng góp 100 tỷ USD/năm giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.
Dự thảo nêu ra 7 phương án sơ bộ, trong đó phản ánh quan điểm khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển. Theo khối các nước Arab, các nước phát triển nên cam kết ít nhất 441 tỷ USD mỗi năm dưới dạng tài trợ trong giai đoạn 2025-2029 để huy động các khoản vay và tài chính tư nhân, qua đó nâng tổng số tiền hỗ trợ hằng năm lên 1.100 tỷ USD. Trong khi đó, các nước châu Phi kỳ vọng con số mục tiêu hằng năm là 1.300 tỷ USD.
Các quốc gia cần nỗ lực hơn để giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại kinh tế khổng lồ cho châu Phi. Trung bình, các quốc gia châu Phi mất tới 5% GDP mỗi năm do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này đồng nghĩa hàng tỷ USD bị mất mỗi năm, trong khi khoản tài chính này vốn có thể được sử dụng để đầu tư vào y tế, giáo dục và phát triển kinh tế. Để giảm thiệt hại, nhiều nước châu Phi phải dành tới 9% ngân sách cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, gây áp lực lớn lên tài chính công. Các nước châu Phi cần tài chính để tăng cường đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng các công trình hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai và phát triển nông nghiệp bền vững. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng mạnh hỗ trợ tài chính và công nghệ cho châu Phi để giúp lục địa này thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong các cuộc đàm phán gần đây, các nước tài trợ cho rằng, những con số nêu trong dự thảo của Liên hợp quốc là không thực tế. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Iceland, New Zealand và Australia lập luận rằng, họ chỉ chịu trách nhiệm với gần 30% lượng khí thải trong lịch sử và họ muốn đưa thêm Trung Quốc và các nước vùng Vịnh vào danh sách các nhà tài trợ. Thừa nhận các nước phát triển cần tiếp tục dẫn đầu trong việc huy động tài chính khí hậu, song EU vẫn nhấn mạnh rằng, mục tiêu chung chỉ có thể đạt được nếu các bên có lượng khí thải cao tham gia.
Hợp tác trong vấn đề khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới và có lượng phát thải nhiều nhất là nhân tố quan trọng trong nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Mỹ khuyến khích các nước đóng góp cho quỹ tài chính khí hậu, nhưng Trung Quốc và một số nước đang phát triển vẫn quan ngại rằng điều này sẽ khiến các nước giàu lơ là với trách nhiệm của mình. Mới đây, Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về COP29, trong đó có việc thành lập quỹ mới, giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề khí hậu.
Tài chính khí hậu vốn là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc. Các quốc gia kém phát triển dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu cho rằng, các nước phát triển nên cung cấp các gói tài trợ để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu, khi chi phí cho các tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục tăng và nhiều quốc gia nghèo hơn đang chìm trong nợ nần. Trong khi đó, các nước giàu từ chối cam kết chi trả các chi phí khí hậu lớn và ngày càng tăng.
Trong bối cảnh trên, COP29 được coi là một thử nghiệm lớn về sự hợp tác và ý chí đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các cuộc đàm phán tại COP29 được kỳ vọng đạt mục tiêu tài chính mới. Tuy nhiên, đàm phán sẽ đầy khó khăn, xuất phát từ những mâu thuẫn lợi ích giữa các nước.
Theo Báo Nhân Dân