Chân trời hợp tác mới giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi vừa thực hiện chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức năm 2014 tới Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn ra trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương sau mười năm rạn nứt, chuyến thăm của lãnh đạo Ai Cập được kỳ vọng góp phần sưởi ấm quan hệ của hai quốc gia vốn chia sẻ nhiều lợi ích chung trong các vấn đề ở khu vực đông Ðịa Trung Hải.

Mối quan hệ giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm bị rạn nứt sâu sắc. Năm 2013, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cắt quan hệ ngoại giao sau khi Tổng thống Ai Cập khi đó là Mohamed Morsi, một đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, bị lật đổ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước đã tiến triển trong hai năm qua, nhất là sau khi Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Ðại sứ hồi tháng 7/2023. Hợp tác giữa hai nước đạt được những bước phát triển tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, thương mại và đầu tư.

Hoạt động thương mại giữa hai nước không ngừng tăng. Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Ai Cập, trong khi Ai Cập là đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những điểm đến quan trọng nhất đối với hàng xuất khẩu của quốc gia Bắc Phi. Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ai Cập, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 5,875 tỷ USD năm 2023. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thành lập một khu công nghiệp tại Khu kinh tế Kênh đào Suez của Ai Cập.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi thăm Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Getty/VOV)

Chuyến thăm của Tổng thống El-Sisi tới Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng khởi đầu một chương mới trong quan hệ hai nước. Với 17 thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương và mở rộng phạm vi của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nâng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trong những năm tới. Tổng thống Erdogan khuyến khích các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ đến làm ăn tại Ai Cập, đồng thời bày tỏ sẵn sàng chào đón các doanh nhân Ai Cập đến kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng là hai quốc gia có vị trí địa chính trị và tầm ảnh hưởng quan trọng ở khu vực, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ lợi ích chung trong nhiều vấn đề liên quan an ninh và sự ổn định chung. Hai bên mong muốn phối hợp chặt chẽ và tham vấn thường xuyên nhằm tìm giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng trong khu vực. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ai Cập El-Sisi một lần nữa khẳng định mục tiêu của Cairo là duy trì sự bình yên và giải quyết bất đồng giữa các quốc gia ven bờ Ðông Ðịa Trung Hải vì lợi ích chung của khu vực.

Lập trường chung và thống nhất của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và phản đối sự leo thang căng thẳng hiện nay ở khu Bờ Tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Nhà lãnh đạo Ai Cập kêu gọi khởi động một tiến trình để tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Ðông Jerusalem.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về các cuộc khủng hoảng ở Libya, Sudan và Syria cũng như tình hình hiện nay ở vùng Sừng châu Phi, đặc biệt là Somalia. Tổng thống El-Sisi nêu bật sự cấp thiết phải tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp, rút các lực lượng nước ngoài hoạt động bất hợp pháp và lính đánh thuê ra khỏi Libya, qua đó giúp nước này vượt qua tình cảnh chia rẽ, đạt được an ninh và ổn định lâu dài.

Cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước nhằm khôi phục các cơ chế hợp tác song phương, cũng như tăng cường hợp tác khu vực. Hai bên nhiều lần cho rằng, trong quan hệ giữa hai nước, cách tiếp cận chiến lược vững chắc theo nguyên tắc cùng tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung và với những ý định chân thành sẽ góp phần bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Ðông Ðịa Trung Hải.

Sau mười năm với biến động tiêu cực trong quan hệ ngoại giao, kỷ nguyên mới, chân trời hợp tác mới giữa Ankara và Cairo đang được mở ra với hy vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, góp phần quan trọng vào hòa bình và ổn định ở bờ đông Ðịa Trung Hải.