Kỳ vọng năm học 2024-2025

Ngày 5/9/2024, cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024-2025. Đây là năm học ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với tất cả khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 12). Toàn xã hội kỳ vọng, ngành GD&ĐT tiếp tục đổi mới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra và đạt được kết quả tích cực trên các mặt công tác.

Trong niềm hân hoan chào đón năm học mới, nhìn lại năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà, nhất là giáo dục mũi nhọn được nâng lên với 27 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia, tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT hiện nay. Các chính sách đối với người dạy và người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh có 160 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học.

Cô và trò Trường Tiểu học Phủ Hà 1 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trong ngày tựu trường năm học 2024-2025.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đến đầu năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 10.474 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm nhận quản lý, giảng dạy khoảng 150.889 học sinh (HS)/4.749 lớp, thuộc 297 cơ sở giáo dục. Qua rà soát định mức theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT, toàn tỉnh còn thiếu 445 giáo viên và 485 nhân viên các cấp học. Về cơ sở vật chất, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 395 phòng, sửa chữa 497 phòng và 32 cơ sở giáo dục; đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, sách, tài liệu phục vụ năm học mới. Cô giáo Vũ Thị Ý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Hải 1 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Cùng với xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn mức độ 2, năm học này, nhà trường được thành phố trang bị 18 máy vi tính cho phòng tin học. Trường lớp được đầu tư khang trang; đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 nên cô và trò rất phấn khởi, tiếp tục nỗ lực để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Trường THCS Trần Phú đã đầu tư phòng tin học để góp phần nâng cao chất lượng dạy, học trong năm học 2024-2025. Ảnh: Văn Nỷ

Chuẩn bị tốt điều kiện cho năm học mới, các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 ít nhất 2 tuần. Mặt trận, đoàn thể, đơn vị, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực như: Trao tặng học bổng, sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường, vận động học sinh ra lớp, xây dựng sân chơi, tổng dọn vệ sinh, chặt tỉa, trồng mới cây xanh... giúp học sinh bước vào năm học mới vui tươi, an toàn, hiệu quả.

Năm học 2024-2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các khối lớp; cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Để nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành GD&ĐT, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực GD&ĐT, kịp thời chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển GD&ĐT tại địa phương, bảo đảm hoàn thành cao nhất những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đề ra. Đồng chí cũng đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp học và đội ngũ giáo viên; tăng cường nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích xã hội đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở các cấp học và trình độ đào tạo, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo nhu cầu xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và người học; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm đủ số lượng, nâng cao về chất lượng; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng cho HS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT; tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành...