Khí thải không phải CO2 - bất đồng mới giữa EU và hàng không Mỹ

The Guardian đưa tin các hãng hàng không Mỹ đã phản đối kế hoạch giám sát tác hại của các chất ô nhiễm được thải ra từ máy bay trong một cuộc họp với Ủy ban châu Âu (EC).

Đại diện của tổ chức thương mại Airlines for America và một số công ty thành viên đã gặp đại diện nhóm phụ trách khí hậu của EC vào tháng 5. Biên bản cuộc họp cho thấy Airlines for America đã phản đối dự thảo quy định yêu cầu các chuyến bay đến và đi từ các địa điểm bên ngoài châu Âu phải báo cáo về lượng khí thải gây ô nhiễm không phải CO2. Tổ chức này cho rằng đang có sự không chắc chắn về mặt khoa học liên quan đến hiện tượng vệt hơi - tức là những đường trắng giữ nhiệt được tạo ra bởi khí thải động cơ máy bay - và bày tỏ lo ngại rằng các quy định này có thể ảnh hưởng đến giá cả.

Tổ chức phi lợi nhuận InfluenceMap cho biết khí thải không phải CO2 có thể chiếm tới hai phần ba tác động khí hậu từ hoạt động bay, và các hãng hàng không Mỹ đang cố gắng né tránh trách nhiệm về tác động này từ các chuyến bay đường dài.

Động cơ máy bay thải ra một loạt khí gây biến đổi khí hậu ở độ cao lớn, trong đó có nitrogen oxide, lưu huỳnh đioxit và hơi nước. Các nhà khoa học ít biết về tác động của các loại khí này đối với nhiệt độ toàn cầu hơn so với tác động của CO2, nhưng đồng ý rằng các loại khí nói trên sẽ khiến Trái Đất nóng lên.

EC muốn bổ sung khoảng trống về kiến thức này bằng cách buộc các hãng hàng không phải giám sát, báo cáo và xác minh những tác động này bằng các quy tắc mới theo hệ thống giao dịch khí thải của mình.

Đề xuất nói trên của EC - sẽ áp dụng với các chuyến bay trong châu Âu từ năm 2025 và các chuyến bay bên ngoài châu Âu từ năm 2027 - đã tạo ra các luồng ý kiến trái chiều trong ngành hàng không.

Các phản hồi với một cuộc tham vấn công khai vào tháng trước cho thấy Airlines for America phản đối việc đưa các chuyến bay bên ngoài châu Âu vào quy định này, kể cả là sau năm 2027, và cho biết sẽ "xem xét tất cả các phương án có thể" để ngăn chặn việc áp dụng các quy định này với các hãng hàng không Mỹ. Nhưng các hãng hàng không giá rẻ châu Âu, chủ yếu cung cấp các chuyến bay ngắn, cho rằng rằng việc loại trừ các chuyến bay đường dài khỏi quy định nói trên sẽ là không công bằng và thậm chí bất hợp pháp. Theo dự thảo quy định, đến năm 2028, EC sẽ đưa ra một đề xuất lập pháp nhằm mở rộng phạm vi của hệ thống giao dịch khí thải của EU để bao gồm cả các tác độngcủa các loại khí thải không phải CO2.

EC cho biết đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên môn về chủ đề này với các bên liên quan, và đã tiếp nhận những ý kiến trái chiều. Cơ quan này cho hay: "Như thường lệ, các đề xuất cuối cùng của EC được đưa ra theo lợi ích của châu Âu và dựa trên tất cả thông tin liên quan".