Google sẽ kháng cáo phán quyết trên. Nhưng nếu “gã khổng lồ” công nghệ không thành công, Thẩm phán Amit Mehta có thể yêu cầu công ty từ bỏ các thỏa thuận hàng tỷ USD với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Apple và Samsung.
Theo thông tin được cung cấp qua phán quyết của Thẩm phán Mehta, Google đã trả cho Apple 20 tỷ USD vào năm 2022 để đưa Google Search trở thành tùy chọn tìm kiếm mặc định trên nhiều thiết bị khác nhau của mình. Con số này gấp đôi số tiền mà công ty đã trả cho nhà sản xuất iPhone vào năm 2020. Trong khi đó, Samsung đã thu về 8 tỷ USD trong 4 năm thông qua các thỏa thuận độc quyền của Google.
Bên ngoài trụ sở Google tại Mountain View, California, Mỹ.
Nếu Google buộc phải từ bỏ các thỏa thuận trên, họ sẽ ngay lập tức tiết kiệm chi phí mua lại lưu lượng truy cập (TAC), số tiền mà họ phải trả thông qua các thỏa thuận như với Apple và Samsung, cùng nhiều bên khác. Google đã trả 50,8 tỷ USD cho TAC vào năm 2023, tăng so với mức 48,9 tỷ USD vào năm 2022 và 45,5 tỷ USD vào năm 2021.
Tuy nhiên, Google lại đối mặt với một bất lợi. Đó là công ty đã thực hiện mô hình hóa nội bộ vào năm 2020 và phát hiện ra rằng họ sẽ mất 60-80% khối lượng tìm kiếm trên các thiết bị của Apple, nếu công cụ tìm kiếm của họ không còn là tùy chọn mặc định.
Việc mất đi lượng tìm kiếm đó sẽ khiến lợi nhuận của Google giảm 28-32 tỷ USD. Vào năm 2020, tổng doanh thu của Google đạt 182,5 tỷ USD. Trong kịch bản giả định Google mất đi lượng truy cập từ thiết bị iOS đó, doanh thu của họ có thể giảm từ 15-17%.
Việc tiếp cận được một kho dữ liệu khổng lồ cho phép Google bán quảng cáo nhắm mục tiêu đến những người dùng, qua đó thúc đẩy đế chế quảng cáo khổng lồ của mình. Nếu Thẩm phán Mehta hủy bỏ các thỏa thuận đó, Google có nguy cơ mất những người dùng đó và dữ liệu quý giá của họ.
Đáng chú ý, Ủy ban châu Âu, cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị Apple và Android phải cho người dùng tại khu vực này các lựa chọn về trình duyệt web và công cụ tìm kiếm mặc định như một phần của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số châu Âu.
Google đã cung cấp tùy chọn này kể từ tháng 3/2024. Theo chuyên trang theo dõi số liệu Statcounter, thị phần công cụ tìm kiếm của công ty đã giảm từ 96,08% vào tháng Ba xuống 95,82% vào tháng Sáu, trước khi tăng trở lại 95,97% vào tháng Bảy.
Giới chuyên gia cho rằng trước nguy cơ Google mất quyền truy cập vào khối dữ liệu từng giúp thúc đẩy vị thế thống lĩnh của họ trên thị trường quảng cáo trực tuyến, công ty có thể cần phải sử dụng lại chính hoạt động quảng cáo để cứu vãn tình hình.
Theo TTXVN