Đề tài ứng dụng AI hỗ trợ tư vấn chữa bệnh thông thường đạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Thuận năm 2024

Với mong muốn tạo ra một ứng dụng thông minh, vừa góp phần bảo tồn, khai thác nguồn tri thức quý giá về các bài thuốc Nam của đồng bào Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận, vừa dễ dàng tiếp cận để chăm sóc sức khỏe cho người dân, em Nguyễn Hồ Thiện Nhân, học sinh lớp 11A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) Pi Năng Tắc (Bác Ái) đã nghiên cứu đề tài “Chatbot AI hỗ trợ tư vấn chữa một số bệnh thông thường bằng cây thuốc theo tri thức bản địa của người Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận”.

Đề tài của em đã xuất sắc vượt qua nhiều mô hình, sản phẩm khác để trở thành một trong 2 mô hình, sản phẩm đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ninh Thuận lần thứ 18, năm 2024 và được chọn tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024 tại Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên về lý do chọn đề tài, Thiện Nhân, cho biết: Cộng đồng người Chăm và Raglai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có truyền thống lâu đời khai thác và sử dụng thảo dược làm thuốc, có nhiều bài thuốc quý giá. Tuy nhiên, các bài thuốc này chỉ mới được lưu truyền trong một số ít lương y đồng bào dân tộc Chăm và Raglai hoặc tài liệu tại các Hội Đông y (HĐY) mà chưa được khai thác, sử dụng rộng rãi và có nguy cơ mai một theo thời gian. Là học sinh Trường PT DTNT Pi Năng Tắc, em được học tập, sinh hoạt với các bạn thuộc nhiều dân tộc như: Chăm, Raglai, Cơ Ho, Churu… Trong các buổi giao lưu, trò chuyện, em được nghe các bạn kể về những lần bị bệnh thông thường, được các lương y người dân tộc, hay ông bà sử dụng những cây thuốc có sẵn quanh nhà để điều trị mà không cần dùng thuốc tây, vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Từ đó, em đã nảy sinh ý tưởng và quyết định nghiên cứu đề tài.

Em Nguyễn Hồ Thiện Nhân giới thiệu đề tài ứng dụng AI hỗ trợ tư vấn chữa một số bệnh thông thường.

Với sự hướng dẫn của thầy giáo Trần Nhật Trường, giáo viên Tin học, Trường PT DTNT Pi Năng Tắc, em Nguyễn Hồ Thiện Nhân “khởi động” đề tài bằng việc khảo sát, phỏng vấn trực tiếp 455 học sinh trong trường về tình trạng sử dụng cây thuốc truyền thống tại gia đình. Kết quả cho thấy tỷ lệ sử dụng cây thuốc Nam để điều trị bệnh của gia đình các học sinh hiện nay còn rất ít. Tiếp đó, em tiến hành xây dựng dữ liệu cây thuốc cho Chatbot AI thông qua việc khảo sát thực tế, thu thập, ghi chép, xác minh công dụng các loại cây được dùng làm thuốc của đồng bào Chăm và Raglai tại HĐY các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước; thu thập thêm dữ liệu cây thuốc Nam từ tài liệu của HĐY tỉnh, website các bệnh viện uy tín, các nghiên cứu trước đó của chuyên gia về cây dược liệu trên địa bàn tỉnh… Kết quả, đã khảo sát, thu thập được hơn 324 cây thuốc của đồng bào Chăm, 100 cây thuốc của đồng bào Raglai, 23 bài thuốc của đồng bào Chăm huyện Ninh Phước, 48 bài thuốc của đồng bào dân tộc tại huyện Ninh Sơn, 417 cây thuốc tại tỉnh Ninh Thuận.

Dựa trên kết quả khảo sát, thu thập, Thiện Nhân tiến hành văn bản hóa và xây dựng kho cơ sở dữ liệu về cây thuốc, bài thuốc dân tộc. Tiếp đó, em thiết kế, huấn luyện Chatbot AI; xây dựng website; tích hợp Chatbot AI lên website, Zalo, Facebook, Instagram. Kết quả, dữ liệu công dụng điều trị bệnh và cách dùng 864 mục dữ liệu cây thuốc, bài thuốc của đồng bào Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận được dùng để đào tạo mô hình ngôn ngữ Chatbot AI; “Chatbot AI hỗ trợ tư vấn chữa một số bệnh thông thường bằng cây thuốc theo tri thức bản địa của người Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận” được thử nghiệm truy cập và sử dụng trên website, Zalo, Facebook, Instagram với tên thuocnam.tech

Theo Thiện Nhân, “Chatbot AI hỗ trợ tư vấn chữa một số bệnh thông thường bằng cây thuốc theo tri thức bản địa của người Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận” là dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng trợ lý ảo cho lĩnh vực y học cổ truyền dân tộc, vừa góp phần bảo tồn, vừa khai thác nguồn tri thức quý giá về cây thuốc của đồng bào Chăm và Raglai tỉnh Ninh Thuận để điều trị bệnh. Dự án có tính thực tiễn cao, dễ dàng tiếp cận người dân thông qua internet, mạng xã hội. Người dân chỉ cần truy cập vào các kênh có tích hợp Chatbot AI, đưa ra câu hỏi và sẽ nhận về tư vấn trong giây lát. Các bài thuốc, cây thuốc Nam do Chatbot AI tư vấn có nguồn gốc từ tài liệu của HĐY tỉnh, HĐY các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái, website các bệnh viện uy tín và đề tài “Khảo sát, điều tra cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017” do TS. Lê Văn Minh chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận quản lý, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chủ trì nên có tính an toàn, hiệu quả, là một kênh tham khảo đáng tin cậy, giúp nâng cao chất lượng sức khỏe cộng đồng. Dự án còn góp phần thực hiện chuyển đổi số trên lĩnh vực Đông y, y học cổ truyền dân tộc. Hướng phát triển đề tài của em Nguyễn Hồ Thiện Nhân thời gian tới là tiếp tục huấn luyện Chatbot AI trả lời linh hoạt, thông minh hơn thông qua việc mở rộng xây dựng và cải tiến cơ sở dữ liệu của hệ thống; mở rộng dữ liệu đào tạo cho toàn bộ cây dùng làm thuốc tại tỉnh Ninh Thuận; tích hợp giọng nói sang văn bản và văn bản sang giọng nói cho Chatbot AI để hỗ trợ người dùng.