Thực hiện khung kế hoạch năm học 2024-2025 của tỉnh, ngày 21/8 vừa qua, 106 HS khối lớp 1 trên địa bàn xã Phước Hà (Thuận Nam) đã bắt đầu đến trường. Cô giáo Tạ Yên Thị Nhẹ, GV chủ nhiệm lớp 1C, Trường Tiểu học (TH) Phước Hà cho biết: Trong tuần đầu làm quen môi trường mới, với nhiều điểm khác biệt so với bậc mầm non, tôi dành thời gian cho các em ổn định nền nếp, tập đọc bảng chữ cái, luyện viết các nét cơ bản.
Dù vẫn còn rụt rè, chưa rành tiếng Việt nhưng em Ma Năng Thị Như Ái, HS lớp 1A, Trường TH Phước Hà cho biết: Ở nhà, em được mẹ mua sắm quần áo mới, sách vở và đồ dùng học tập. Đến trường, có cô giáo hướng dẫn em đã viết được những nét cơ bản và đang học bảng chữ cái. Em rất thích đi học.
Cô giáo Tôn Thị Ngọc Bích, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phước Hà cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới, giữa tháng 8, nhà trường đã huy động GV, nhân viên vệ sinh lại cảnh quan trường lớp, đồ dùng dạy học, sắp xếp bàn ghế sẵn sàng đón các em tới trường. Năm nay trường chúng tôi dự kiến đón 461 HS. Điều đáng mừng là việc huy động HS khối lớp 1 đạt 100% và đang duy trì tốt sĩ số. Hiện nay, nguồn sách giáo khoa (SGK) phục vụ cho HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được tập trung đủ tại thư viện. Sau khi tựu trường các em sẽ được nhận sách. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, đến nay, qua rà soát, đánh giá, trường chúng tôi cơ bản đáp ứng đủ các yêu cầu về CSVC, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ GV... sẵn sàng bước vào năm học mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Phước Hà (Thuận Nam) hướng dẫn học sinh lớp 1 luyện viết. Ảnh: Ngọc Diệp
Năm học này, Trường TH Phước Lập được UBND huyện Thuận Nam đầu tư xây mới 4 phòng học chức năng dành cho các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học và Khoa học, 6 phòng khối hiệu bộ và các hạng mục khác với tổng vốn đầu tư hơn 9,7 tỷ đồng. Đây là đơn vị có tổng mức đầu tư lớn nhất trong số 5 trường học được đầu tư CSVC phục vụ năm học 2024-2025.
Cô giáo Trần Ngọc Hảo, Hiệu trưởng Trường TH Phước Lập cho biết: Nhà trường rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm lớn từ phía chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây mới CSVC trường lớp. Điều này, không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng không gian làm việc của cán bộ, nhân viên mà còn giúp nhà trường đạt được các tiêu chí để thực hiện tốt mục tiêu phấn đấu trở thành trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học này.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Trước thềm năm học mới, huyện Thuận Nam vui mừng khi hoạt động giáo dục của huyện nhà nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp, các ngành và các đơn vị hảo tâm. Đó là nguồn động lực to lớn để huyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ dạy và học trong năm học mới. Đến nay, ngoài CSVC, công tác lựa chọn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện kịp thời. Đội ngũ GV được tập huấn trực tuyến nội dung Chương trình GDPT mới, tập huấn phương pháp dạy học theo SGK đã lựa chọn, cơ bản đáp ứng việc dạy học. Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn lo lắng, khi mà đến thời điểm này thiết bị dạy học để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT mới lớp 5, lớp 9 chưa được cấp về cho các trường. Các trường có tổ chức dạy tiếng Chăm cũng gặp khó khi SGK tiếng Chăm theo Chương trình GDPT mới vẫn chưa được in và cấp về. Nhiều trường chưa có khu hiệu bộ phải tận dụng phòng học của HS để làm việc, đội ngũ GV bộ môn Tiếng Anh, Tin học ở hai bậc TH và THCS vẫn còn thiếu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Chúng tôi rất mong ngành giáo dục và cấp trên quan tâm sớm giải quyết các vấn đề này để các đơn vị nhà trường trên địa bàn huyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
* Những ngày giữa tháng 8, không khí tại các trường học trên địa bàn huyện Ninh Hải đã nhộn nhịp trở lại sau hơn 2 tháng HS tạm nghỉ, Ban giám hiệu các trường đã cùng GV tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trang trí lớp học, cắt tỉa cây xanh, trồng hoa, góp phần tạo khuôn viên xanh, sạch, đẹp, xây dựng môi trường học tập lành mạnh, an toàn để đón HS vào ngày tựu trường. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường học trong huyện đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp. Các trường cũng đã xây dựng kịch bản tổ chức lễ khai giảng năm học mới, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả.
Năm học 2023-2024, toàn huyện Ninh Hải có 3 trường được công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục mức độ 2 và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn huyện có 25/41 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 60,9%, tăng 3 đơn vị so với năm học 2022-2023.
Trường Tiểu học Khánh Hội (Ninh Hải) được đầu tư xây dựng thêm các phòng
chức năng để phục vụ công tác giảng dạy. Ảnh: Thanh Thịnh
Năm học 2024-2025, dự kiến toàn huyện Ninh Hải có 18.891 HS/563 lớp, tăng 981 HS so với năm học 2023-2024. Trong đó, số lớp, số HS các cấp học được học 2 buổi/ngày là 207 lớp/410 lớp. Bậc mầm non là 94/94 lớp, đạt 100%; bậc TH 9-10 buổi/tuần có 113/316 lớp, tăng 28 lớp so với năm học 2023-2024. Số HS đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện 1.972 HS, chiếm 10,4%. Biên chế hiện tại của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ninh Hải có 1.104 GV, cơ bản đảm bảo nhu cầu dạy và học của các trường.
Trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Ninh Hải, Phòng GD&ĐT đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng CSVC và trang thiết bị dạy học tối thiểu tại các trường học trên địa bàn, đồng thời xây dựng phương án đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị tối thiểu nhằm đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Phòng GD&ĐT đã tiến hành xây mới 13 phòng học, xây mới 14 phòng chức năng, tiến hành sửa chữa 14 phòng cho các trường. Năm học mới này, thầy và trò Trường TH Hộ Diêm như được nhân đôi niềm vui khi nhà trường được đầu tư cải tạo, xây mới 8 phòng học và 4 phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu dạy và thực hành của nhà trường. Cô giáo Võ Thị Minh Hạnh, Hiệu trưởng Trường TH Hộ Diêm, cho biết: Năm học 2024-2025, nhà trường phấn khởi khi được đầu tư cơ sở khang trang và đầy đủ hơn để phục vụ công tác dạy và học.
Thầy giáo Nguyễn Minh Hảo, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ninh Hải, cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện đã chủ động bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên đảm bảo số lượng, cân đối giữa các trường. Đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho GV các cấp trên địa bàn huyện tập trung vào các modul đổi mới chương trình, SGK mới; triển khai kế hoạch tổ chức bồi dưỡng tập trung vào công tác quản trị hoạt động dạy học, giáo dục; quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường; xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn theo từng bậc học... nhằm giúp cán bộ quản lý, GV có thêm hiểu biết và sử dụng tốt hơn công cụ, thiết bị công nghệ thông tin sẵn có để phục vụ công tác quản trị trường học, đồng thời, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của ngành về công tác giáo dục đến GV toàn trường.
Ngọc Diệp-Thanh Thịnh