Ngày 21/8/1945 cùng với sự ra đời của chính quyền cách mạng, các tổ chức Ty Cảnh sát, Ty Trinh sát của Ninh Thuận được thành lập, đầu năm 1948 lực lượng Cảnh sát và Trinh sát Ninh Thuận được thống nhất thành Ty Công an Ninh Thuận. Tháng 12/1991, tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã quyết nghị chia tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận; Bộ Nội vụ đã có Kế hoạch số 1206/X13 ngày 27/12/1991 về việc chia tách Công an tỉnh Thuận Hải thành Công an tỉnh Ninh Thuận và Công an tỉnh Bình Thuận, theo đó Công an tỉnh Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt từ ngày 1/4/1992.
Cán bộ Công an tỉnh làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh: V.Nỷ
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự yêu thương, đùm bọc, tin tưởng, giúp đỡ, hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Lực lượng Công an tỉnh Ninh Thuận luôn trung thành với Đảng, tận tụy với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Giai đoạn 1945-1975: Bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng Công an Ninh Thuận đã khẩn trương ổn định về tổ chức, lực lượng đẩy mạnh các mặt hoạt động diệt tề, trừ gian, đẩy mạnh công tác điều tra khám phá, vô hiệu hóa các ban tề, các ổ vũ trang, các tổ chức gián điệp của địch ở vùng căn cứ, đập tan tổ chức phản động, góp phần củng cố căn cứ, phục vụ tích cực cho kháng chiến; bền bỉ xây dựng phong trào và bảo toàn lực lượng, tiến hành các biện pháp bảo vệ nội bộ và tăng cường hoạt động nắm tình hình địch, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, đẩy mạnh diệt ác, trừ gian, chống chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, hỗ trợ đồng bào nổi dậy giải phóng nhiều thôn, xã. Những tháng đầu năm 1975, Ban An ninh tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp cùng quân, dân Ninh Thuận phục vụ tốt cho lực lượng chủ lực tấn công đập tan “lá chắn Phan Rang” mở đường tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Ngày 16/4/1975, Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn 1976 đến nay: Ngày 1/2/1976, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Ngay sau khi sáp nhập, lực lượng công an đã chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác, tiếp tục bóc gỡ các tổ chức phản động, mạng lưới tình báo, gián điệp địch cài lại; tham gia đấu tranh khám phá hàng chục tổ chức phản động âm mưu lật đổ chính quyền, đặc biệt là cùng với sự phối hợp của các lực lượng, các ngành và sự tham gia của quần chúng nhân dân; vừa kiên trì vận động quần chúng, vừa tiến hành các biện pháp nghiệp vụ sắc bén đã giải quyết tốt các vấn đề Fulro trên địa bàn tỉnh. Từ năm 1986, Đảng và Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới trong bối cảnh tình hình trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch tìm mọi cách tấn công bao vây, cấm vận nước ta từ nhiều hướng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động cấu kết chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện âm mưu, hoạt động chống phá nước ta. Lực lượng công an vừa đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng, vừa tích cực đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên quyết trấn áp các loại tội phạm.
Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, đồng thời Công an tỉnh Ninh Thuận cũng chính thức thành lập, ngay sau khi đi vào hoạt động đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước và với lực lượng Công an nhân dân. Quán triệt, thực hiện tốt phương châm “gương mẫu, đi đầu” trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự; tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, cải cách hành chính, quyết liệt, đi đầu trong triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân, chuyển đổi số và công tác phòng, chống thiên tai, dịch COVID-19, cứu nạn, cứu hộ... giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Với những thành tích, chiến công đạt được trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an tỉnh Ninh Thuận đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang và hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam nói chung, Công an tỉnh Ninh Thuận nói riêng, trong thời gian tới Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII và chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, của Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; thật sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, là “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, nguyện chỉ biết “còn Đảng là còn mình”.
Đại tá Huỳnh Cầm, Phó Giám đốc Công an tỉnh