Nâng cao vai trò của hội phụ nữ trong xóa bỏ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực với quyết tâm bài trừ hủ tục tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Qua đó, góp phần thực hiện nếp sống văn minh cũng như nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên (HV) phụ nữ.

Hiện nay, một số hủ tục vẫn còn “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào DTTS&MN. Có những hủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sự phát triển của phụ nữ và trẻ em, điển hình là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông (HNCHT). Nhằm giải quyết thực trạng trên, thời gian qua, các cấp hội đã triển khai hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Cụ thể, các cấp hội đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, thành lập và ra mắt nhiều mô hình, qua đó thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, những hủ tục. Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã thành lập 77 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn; xây dựng 14 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học, 8 mô hình địa chỉ tin cậy. Qua thực tiễn thực hiện đã giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức trong HV và các tầng lớp nhân dân trong tham gia các phần việc để giảm thiểu, bài trừ hủ tục ra khỏi đời sống; đồng thời, tích cực giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bác Ái đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Là địa phương có trên 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, huyện miền núi Bác Ái còn tồn tại một số hủ tục, trong đó tình trạng thanh thiếu niên kết hôn sớm trước độ tuổi quy định. Trước vấn đề này, thời gian qua, Hội LHPN huyện Bác Ái đẩy mạnh công tác truyền thông đến đông đảo HV, nêu cao vai trò cán bộ cơ sở trong “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, tuyên truyền. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các mô hình nhằm giảm thiểu, bài trừ hủ tục, như: Tham gia xây dựng hương ước, quy ước trong tộc họ, cộng đồng tự quản; xây dựng mô hình “Phòng chống tảo hôn và HNCHT”; duy trì hiệu quả các hoạt động Dự án 8... Những việc làm trên không chỉ nâng cao nhận thức mà còn chuyển hoá thành hành động cụ thể trong HV.

Chị Pi Năng Thị Ninh, thôn Trà Co 1, xã Phước Tiến, chia sẻ: Trước đây tôi suy nghĩ đơn thuần là trai, gái trưởng thành thì xây dựng gia đình là điều bình thường. Nhưng qua sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ thôn, cán bộ chia sẻ về những hệ quả, tác hại mà tảo hôn để lại, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng như vi phạm pháp luật, tôi hiểu và quan tâm, đồng hành hơn với các con nằm trong lứa tuổi thanh thiếu niên; đồng thời, thông báo cho các lực lượng chức năng xử lý, giáo dục, răn đe các trường hợp tảo hôn, HNCHT tại địa phương. Ngoài ra, Hội LHPN huyện nêu cao vai trò trong đấu tranh không để tình trạng trên xảy ra tại địa bàn. Điển hình trong năm 2023, từ nguồn báo ở cơ sở có ghi nhận 2 trường hợp có khả năng tảo hôn tại thôn Hà Lá Hạ, xã Phước Thắng, Tổ truyền thông cộng đồng của thôn đã phối hợp vận động, tuyên truyền, nên gia đình các em cam kết không tổ chức cưới hỏi.

Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Thông qua việc đẩy mạnh triển khai Dự án 8 đã dần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ những hủ tục và một số vấn đề xã hội cấp thiết ở vùng đồng bào DTTS&NM. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện Dự án 8 một cách hiệu quả, thiết thực; vận động 100% HV phụ nữ thực hiện tốt 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, mô hình “5 có, 3 sạch”; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên quan đến nâng cao nhận thức về bài trừ, xóa bỏ hủ tục trong cộng đồng.