HĐND tỉnh: Giám sát tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng

Sáng 25/7, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi giám sát, khảo sát tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (đoạn tuyến thuộc địa phận huyện Ninh Sơn).

Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài tuyến đường khoảng 63,32 km; trong đó, tuyến qua địa phận tỉnh Ninh Thuận dài khoảng 46,22 km, tuyến qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 17,10 km. Theo hồ sơ, công tác chuyển đổi rừng khi thực hiện dự án có tổng diện tích chuyển đổi rừng là 36,062 ha; trong đó, địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 34,204ha; địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 1,858 ha; công tác chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác có tổng diện tích chuyển đổi rừng là 44,858 ha; trong đó, địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 37,974 ha, địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 6,884 ha. Đến nay, theo dự án thành phần 2, địa bàn tỉnh Ninh Thuận phạm vi có mặt bằng thi công được khoảng 9 km, còn lại 14,9 km chưa có mặt bằng do vướng rừng chưa hoàn thành công tác tận thu lâm sản và chuyển đổi đất rừng. Để đảm bảo hoàn thành công trình đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành công tác khai thác tận thu lâm sản để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát thực địa tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án giao thông.

Qua buổi làm việc và đi khảo sát thực địa, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần nỗ lực, trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị thi công trong triển khai dự án, đây là một trong những tuyến đường giao thông quan trọng liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, đề nghị chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cần tìm các giải pháp, phối hợp với các ngành trong khai thác rừng để chuyển đổi đất rừng thực hiện dự án. Các sở, ngành cần phối hợp rà soát, kiểm kê, cập nhật diện tích dự án đã triển khai, đặc biệt là vị trí, loại đất, loại rừng, đất hoang đảm bảo tính đồng bộ, chính chính xác theo đúng chủ trương quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng sang mục đích khác trên địa bàn; quản lý, bảo tồn, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế nhằm đảm bảo độ che phủ rừng. Về các kiến nghị, đoàn giám sát ghi nhận và báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ của dự án.