Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh: Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Sáng 25/7, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác CCTP 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thành viên triển khai có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác CCTP. Các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc, kịp thời và đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm công tác CCTP. Kịp thời triển khai các văn bản có liên quan đến hoạt động tư pháp; kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, công cụ, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp. Các cơ quan tư pháp đã tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, khởi tố, điều tra xử lý tội phạm, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm tăng cường, việc xã hội hóa tiếp tục được đẩy mạnh theo tinh thần CCTP. HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, thường xuyên giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật; thẩm tra báo cáo tình hình hoạt động của các cơ quan tư pháp trong tỉnh; giám sát việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh sơ kết công tác CCTP 6 tháng đầu năm 2024.

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh chỉ đạo các cơ quan thành viên tập trung quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp, đổi mới các quy trình, quy định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý, giải quyết kịp thời các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo Quy định 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan tư pháp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với tổ chức và hoạt động tư pháp; tăng cường giám sát chuyên đề đối với hoạt động tư pháp; theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với hoạt động tư pháp bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Nâng cao chất lượng công tác góp ý xây dựng văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu và thẩm quyền; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tư pháp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với các hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.