Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm, đứng đầu Đông Nam Á. Đến nay, ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%... Chỉ số CĐS quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về thực hiện chủ trương CĐS trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiên phong, gương mẫu trong việc thúc đẩy CĐS với quyết tâm cao nhất để thực hiện hiệu quả các các nhiệm vụ: Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số. Ưu tiên nguồn lực cho CĐS, cho phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý, điều hành phải số hóa. Khẩn trưởng hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho CĐS theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình CĐS quốc gia; không dùng tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử để phòng, chống tham nhũng, sách nhiễu; không giấy tờ, hướng tới số hóa và không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Trong thời gian tới, từng bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hiệu quả CĐS, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Mai Phương