Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu Trụ sở Chính phủ đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và điểm cầu tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Thuận có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Triển khai Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế-xã hội. Công tác ngoại giao kinh tế đã đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng; củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới; hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với phương châm lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác ngoại giao kinh tế thông qua thể chế hóa các cơ chế điều hành, phối hợp.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Hội nghị đã tập trung trao đổi, đánh giá tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong và ngoài nước nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát huy đổi mới sáng tạo, phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cao cấp, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự, lấy đây là bệ phóng cho ngoại giao kinh tế; chú trọng chuyến thăm các đối tác chủ chốt, các diễn đàn đa phương có trọng tâm kinh tế như APEC, G20…; đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, huy động các nguồn lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng. Tăng cường cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp các quy tắc quản trị, tiêu chuẩn, các xu hướng kinh tế mới; gia tăng nguồn lực dành cho các hoạt động ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch.
Hồng Nguyệt