Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng Việt Nam thúc đẩy chính sách duy trì tăng trưởng

Ngày 15/7, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2024 cho thấy chỉ số này giảm nhẹ xuống 51,3 và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chính sách duy trì tăng trưởng.

Theo ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Mặc dù cuộc khảo sát chỉ số BCI chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, nhưng EuroCham tin rằng việc thúc đẩy hợp tác giải quyết các rào cản hành chính và quy định sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

Điển hình, để thu hút thêm FDI và kích thích tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp được khảo sát đã nêu bật 5 yếu tố mà Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh gồm: hợp lý hóa quy trình hành chính và thủ tục, tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật… Bên cạnh đó, Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi, đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài…

Công ty SCAVI Huế (100% vốn đầu tư của Tập đoàn Financière B’Lao, Cộng hòa Pháp) chuyên sản xuất hàng may mặc quần áo nội y, thể thao, bảo hộ… tại Khu công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 6.500 lao động. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Còn ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab (đơn vị thực hiện khảo sát chỉ số BCI) cho biết, trong khi 68% số người được hỏi cho biết điều kiện hiện tại ở mức trung bình đến tích cực, thì sự thận trọng trong ngắn hạn đã tăng nhẹ và điều này cần được giải quyết để xu hướng tích cực có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ 6,42% trong nửa đầu năm 2024 và gần 70% bày tỏ sự lạc quan trong dài hạn lại củng cố niềm tin mạnh mẽ rằng các chỉ số tích cực có thể thành hiện thực trong tương lai.

Kết quả cuộc khảo sát chỉ số BCI còn cho thấy, một bức tranh đầy sắc thái về bối cảnh kinh doanh như tiến trình trung hòa carbon đang là chìa khóa để thu hút FDI chất lượng từ châu Âu. Ở một điểm tích cực khác, việc ký kết Nghị định về Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) đã mang lại hy vọng thúc đẩy thực hiện nhanh chóng và có thể giải quyết một số thách thức bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch, cũng như khuyến khích phát triển bền vững tốt hơn.

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do Decision Lab thực hiện hàng quý, đóng vai trò là công cụ quan trọng để tìm hiểu góc nhìn của các công ty và nhà đầu tư châu Âu tại thị trường Việt Nam. Chỉ số BCI được tiến hành từ năm 2011, thu thập phản hồi từ mạng lưới gồm 1.400 thành viên của EuroCham Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau và thực hiện khảo sát để cung cấp những hiểu biết có giá trị về bối cảnh kinh doanh hiện tại ở Việt Nam, cũng như đưa ra cái nhìn về những kỳ vọng trong tương lai.

Theo baotintuc.vn