NATO khẳng định tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi, gồm răn đe và phòng thủ, ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, cùng hợp tác an ninh. NATO sẽ thực hiện răn đe và phòng thủ trước mọi mối đe dọa bằng cách củng cố khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp. NATO cũng cam kết thực hiện mọi bước cần thiết nhằm bảo đảm sự tin cậy, tính hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với NATO và cho rằng các diễn biến ở khu vực này ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. NATO thời gian qua đã tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương, thông qua hỗ trợ Ukraine và tăng cường phòng thủ không gian mạng.
Tăng cường hỗ trợ Ukraine
Các nước NATO đã thông báo kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 43 tỷ USD trong năm 2025, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev trên "chặng đường không thể đảo ngược" hướng tới hội nhập khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, bao gồm quy chế thành viên của NATO.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nêu rõ, việc các nhà lãnh đạo NATO tuyên bố lộ trình Ukraine gia nhập là "không thể đảo ngược" phản ánh rõ mong muốn của liên minh. Tuyên bố Washington tái khẳng định NATO sẽ đưa ra lời mời Ukraine gia nhập khối khi các thành viên đồng ý và mọi điều kiện được đáp ứng.
Phản ứng về tuyên bố của NATO, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga phải làm mọi cách để chặn việc Ukraine gia nhập NATO mà liên minh này tuyên bố là "chặng đường không thể đảo ngược". Từ lâu, Nga luôn xem việc NATO mở rộng biên giới về phía đông là mối đe dọa hiện hữu với an ninh của Nga. Moskva cho rằng, việc giữ trạng thái trung lập là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bền vững của Ukraine và khu vực.
Trong bối cảnh xung đột diễn ra tại Ukraine, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí về hỗ trợ đáng kể cho Kiev, trong đó có cam kết cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến và chuyển giao máy bay chiến đấu F-16. NATO cũng công bố thành lập Cơ quan Hỗ trợ và Đào tạo an ninh (NSATU), có nhiệm vụ điều phối việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken xác nhận, lô máy bay F-16 đầu tiên từ Đan Mạch và Hà Lan đang trên đường tới Ukraine. Phía Mỹ cũng cho biết, Bỉ và Na Uy cũng cam kết cung cấp thêm máy bay cho Kiev. Canada cam kết viện trợ quân sự 500 triệu USD cho Ukraine, một phần của gói hỗ trợ được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Thông điệp từ cuộc gặp song phương
Tại cuộc gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh NATO, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer tái cam kết duy trì sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine. Ông Starmer cũng cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của nước này lên 2,5% GDP, tùy thuộc điều kiện kinh tế và đánh giá chiến lược phòng thủ.
Ngày 10/7, phát biểu trước báo giới tại Vienna (Áo), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định, Ấn Độ sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp hỗ trợ để có thể nhanh chóng khôi phục hòa bình và ổn định tại Ukraine. Thủ tướng Áo Karl Nehammer nhấn mạnh, Vienna và New Delhi chia sẻ mục tiêu chung là đạt được nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại Nhà trắng. Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ coi Anh là đồng minh quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có Ukraine. Ông Starmer cam kết duy trì sự ủng hộ của Anh đối với Ukraine.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, ngoài vấn đề Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác hai nước, cũng như hợp tác ba bên với Mỹ để tăng cường năng lực phòng vệ.
Theo Báo Nhân Dân