Báo cáo hằng năm về sử dụng ma túy toàn cầu của UNODC nhận định hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp bất hợp pháp diễn ra ở nhiều nơi và đang mở rộng tại các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và cao. Tuy nhiên, sản xuất loại chất gây nghiện này ở cấp độ lớn chủ yếu tập trung ở những nước như Afghanistan, Mexico, Myanmar và Syria. Các tổ chức tội phạm lợi dụng tình hình bất ổn định và quản lý lỏng lẻo của chính quyền để buôn ma túy bất hợp pháp và thực hiện các hành vi phạm pháp khác.
Cảnh sát Mexico gác bên số ma túy thu giữ trong các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy tại Mexico City.
Tài liệu trên cũng chỉ ra fentanyl mạnh hơn morphin 100 lần và mạnh hơn heroin 50 lần trong vai trò giảm đau, song cùng với các loại thuốc phiện tổng hợp khác tiếp tục được cho là liên quan đến các ca tử vong vì ma túy tại khu vực Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các loại chất gây nghiện mới và mạnh như nitazene làm tăng các trường hợp tử vong.
Theo UNODC, các băng đảng tội phạm sản xuất ma túy đá (methamphetamine) với quy mô lớn chủ yếu tại Mexico và Myanmar và từ đó vận chuyển tới hai khu vực tiêu thụ lớn là châu Á và Bắc Mỹ. Thống kê cho thấy sản lượng cocaine trên thế giới đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Nhu cầu tiêu thụ và sản xuất cocaine tăng mạnh nhờ giá thấp đã khiến tình trạng bạo lực gia tăng ở các quốc gia dọc theo chuỗi cung ứng, đặc biệt ở Ecuador- điểm trung chuyển quan trọng trong các đường dây vận chuyển ma túy đến Mỹ và các nước Trung Âu và Tây Âu.
Năm 2022, số người sử dụng ma túy trên thế giới đã tăng lên 292 triệu người. Sản lượng cocaine ghi nhận mức kỷ lục gần 2.760 tấn, tăng 20% so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2013- 2014. Diện tích trồng cây coca trên thế giới năm 2023 ở mức 355.000 hectare, tăng 12% so với 2021 và 2022.
Theo UNODC, lượng cocaine bị tịch thu trên toàn thế giới năm 2022 lên tới 2.000 tấn, trong khi số các vụ bắt giữ chất gây nghiện và tỷ lệ giết người tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2019-2022, đặc biệt tại khu vực duyên hải, nơi các băng đảng thường sử dụng để vận chuyển ma túy đến khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Mặc dù mức tiêu thụ cocaine tăng mạnh trong thời gian qua, song xét về tổng số, cần sa vẫn là loại chất gây nghiện phổ biến nhất khi ảnh hưởng 228 triệu người, tiếp đến là thuốc phiện (60 triệu người), ma túy amphetamine (30 triệu người), cocaine (23 triệu người) và thuốc lắc (20 triệu người).
Theo TTXVN