Sức sống mới từ những ngôi nhà “Mái ấm công đoàn”

Cuộc vận động xây dựng nhà ở “Mái ấm công đoàn” được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh phát động từ đầu năm 2007, với mục đích kêu gọi toàn thể CB, CNVC- LĐ tỉnh nhà chung tay hỗ trợ nhà ở cho các gia đình CNVC- LĐ gặp khó khăn.

(NTO) Qua 5 năm triển khai thực hiện, LĐLĐ tỉnh đã vận động được trên 4 tỷ đồng, từ nguồn quỹ đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 125 gia đình CNVC- LĐ. Trong những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp trở lại thăm những gia đình được trao nhà ở “Mái ấm công đoàn” cách đây vài năm. Khác với tâm trạng xúc động, vui sướng khi được trao quyết định hỗ trợ nhà ở, giờ đây trong từng gương mặt của những CNVC- LĐ này hiện lên sự vui tươi, phấn khởi từ một cuộc sống mới ổn định và no đủ hơn.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao nhà "Mái ấm công đoàn" cho CNVC- LĐ
có hoàn cảnh khó khăn.

Thăm lại gia đình chị Nguyễn Thị Đức Hạnh, nhân viên Trạm y tế xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), chúng tôi thật sự vui mừng vì căn nhà “Mái ấm công đoàn” do LĐLĐ tỉnh trao tặng cách đây hơn 3 năm trông vẫn còn mới, cuộc sống gia đình chị có vẻ sung túc, đầy đủ hơn trước nhiều. Khi chưa được hỗ trợ nhà ở, cả gia đình chị gồm 5 thành viên phải sống cùng với cha mẹ chồng trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Khoản lương ít ỏi của một nhân viên y tế như chị cùng khoản thu nhập quá thấp từ 2 sào rẫy không đủ nuôi sống cả gia đình cùng 3 đứa con ăn học. Cuộc sống vốn đã khó khăn, cuối năm 2007, chồng chị chẳng may bị bệnh tai biến không đi lại được. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, UBND xã Nhơn Sơn cấp cho vợ chồng chị miếng đất gần 80 m2, cùng với số tiền 20 triệu đồng do LĐLĐ tỉnh hỗ trợ, chị xây được căn nhà nho nhỏ. Chị Hạnh tâm sự: “Sống hơn nửa đời người, trải qua biết bao vất vả, chắt chiu dành dụm từng đồng mà cũng chưa làm được căn nhà. Nhờ có sự quyên góp của anh chị em CNVC- LĐ, mà ước mơ của vợ chồng tôi mới trở thành hiện thực. Từ khi có nhà ở ổn định, tinh thần của cả gia đình phấn chấn lên hẳn. Tôi yên tâm công tác, chăm sóc chồng con. Sức khỏe chồng tôi ngày càng tốt hơn. Bây giờ anh ấy có thể đi lại và làm một số công việc nhà giúp vợ. Ngoài thời gian công tác, vợ chồng tôi tranh thủ chăn nuôi, cải thiện bữa ăn và thu nhập cho gia đình, có tiền nuôi đứa con gái út đang học năm thứ 3 Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Đà Lạt”.

Chia tay gia đình chị Hạnh, chúng tôi đến phường Phủ Hà (Phan Rang- Tháp Chàm) thăm lại gia đình chị Trần Thị Ngọc Lan, giáo viên Trường Tiểu học Phủ Hà 1. Khi chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở, mỗi năm, vợ chồng chị phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ tu sửa căn nhà tranh vách đất ọp ẹp. Năm 2009, chị được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng, cộng với số tiền vay mượn của họ hàng, chị xây dựng căn nhà kiên cố có diện tích gần 50 m2. Từ khi có nhà mới, chị yên tâm hơn với công tác giảng dạy ở nhà trường. Thời gian rảnh, chị mở lớp dạy thêm tại nhà để có thêm thu nhập. Bớt đi khoản tiền sửa nhà hàng năm, gia đình chị đã mua thêm 1 chiếc ti vi mới, sắm thêm một số trang thiết bị, phuc vụ đời sống. Chị Lan tâm sự: Nhớ lại hơn 15 năm trời phải sống trong căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo, dột nát ngày xưa, mới thấy thật hạnh phúc, cảm nhận hết ý nghĩa của sự đoàn kết và tấm lòng nhân ái của đội ngũ CNVC- LĐ đã giúp cho gia đình tôi có căn nhà như thế này”.

Không chỉ có gia đình chị Hạnh, chị Lan, mà hầu hết những gia đình chúng tôi đến thăm đều có chung niềm phấn khởi vì có cuộc sống tốt hơn từ khi có nhà ở ổn định. Có thể nói, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trong thời gian qua, cuộc vận động xây dựng quỹ “Mái ấm công đoàn” đã thu hút sự tham gia tích cực của CNVC- LĐ, thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, gắn kết bền chặt của giai cấp công nhân- lao động tỉnh nhà. Nhiều CĐCS vận động 100% đoàn viên công đoàn quyên góp vượt mức bình quân một ngày thu nhập từ lương như LĐLĐ huyện Ninh Sơn, Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn ngành GD-ĐT thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, CĐCS Công ty Khai thác công trình thủy lợi… Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh bộc bạch: “Có đi thực tế, tận mắt chúng kiến mới cảm nhận sự khó khăn, bức xúc nhu cầu về nhà ở của đội ngũ CNVC- LĐ trong tỉnh hiện nay. Vì vậy, 125 trường hợp được hỗ trợ nhà ở vẫn còn quá ít so với tình hình thực tế. Chính vì vậy, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp tích cực đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động. Chỉ tiêu đề ra là mỗi năm sẽ có ít nhất 100 gia đình CNVC- LĐ nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, để đến năm 2014, sẽ xóa xong nhà tạm, nhà tranh vách đất cho CNVC- LĐ nghèo, sớm hơn 1 năm so với chỉ tiêu của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Đặc biệt, do thời gian qua, tình hình giá cả tăng cao, nên chúng tôi cũng đang kiến nghị nâng mức hỗ trợ tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa 30 triệu đồng/trường hợp (so với mức tối đa hiện là 20 triệu đồng) để tạo điều kiện thuận lợi cho CNVC-LĐ có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà ở được khang trang hơn. Qua đó giúp người lao động yên tâm công tác, tạo thêm động lực thúc đẩy tinh thần thi đua nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập ổn định đời sống gia đình.