Một là trong quá trình điều chỉnh nền kinh tế Mỹ và thế giới, có thể còn nhiều nền kinh tế khác bị loại khỏi câu lạc bộ AAA. Thực tế này sẽ làm các nhà đầu tư vẫn còn choáng váng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 thêm hoang mang. Vì vậy, châu Á buộc phải hành động mạnh mẽ để cân bằng lớn giữa việc tính toán giảm dự trữ bằng đồng USD mà không phá hoại thị trường với hành động bảo toàn giá trị đầu tư của mỗi nền kinh tế châu Á.
Hai là nguy cơ suy thoái kép. Thoả thuận nâng trần nợ mới đây ở Mỹ bắt đầu cho phép bơm tiền vào nền kinh tế đầu tàu thế giới trong khi các nỗ lực kích thích tài chính và tiền tệ đang kết thúc trên toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu vẫn đang chật vật với khủng hoảng nợ đã lan rộng từ ngoại biên vào trung tâm. Châu Á đã chứng tỏ khả năng tăng trưởng kinh tế mà không cần hỗ trợ của Mỹ và châu Âu trong 2-3 năm qua. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra trong 4-5 năm tới nếu châu Á không điều chỉnh đời sống kinh tế và có thể phải chấp nhận tăng trưởng chậm hơn.
Ba là nguy cơ tràn ngập tiền mặt. Quỹ dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu có rất nhiều đồng tiền nhàn rỗi có thể tung vào thị trường châu Á. Nguồn tiền tự do này thậm chí rất dồi dào từ Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ nếu nạn thất nghiệp ở Mỹ tiếp tục cao. Các nền kinh tế châu Á, từ Hàn Quốc đến Thái Lan từng lo ngại về dòng tiền nóng này và sự nổ tung của các bong bóng tài sản một năm trước đây, sẽ chứng kiến dòng tiền nhàn rỗi nhiều chưa từng thấy từ Mỹ và châu Âu sẵn sàng đổ vào các nền kinh tế của châu lục.
Bốn là nguy cơ suy thoái của châu Âu. Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ hiện nay không lớn so với nguy cơ này của các nền kinh tế khu vực đồng ơrô. Sự vỡ nợ của Hy Lạp dường như không thể tránh khỏi trong khi tình hình tài chính ngày càng tồi tệ hơn ở Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, thậm chí cả Italia. Nền kinh tế Đức được coi là quá lớn không thể vỡ nợ nhưng nền kinh tế Italia được coi là quá lớn để có thể cứu khỏi vỡ nợ. Điều gì sẽ xảy ra nếu người Đức ngày càng thất vọng khi phải bỏ tiền để cứu các nền kinh tế sắp vỡ nợ của liên minh tiền tệ này và đòi quay trở lại đồng Mark cũ?
Năm là nguy cơ giảm phát. Nhu cầu toàn cầu suy yếu đang làm cho giá hàng tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh. Hiện trạng này diễn ra trong khi dòng tiền lớn từ các ngân hàng Trung ương Mỹ, Nhật Bản và châu Âu làm cho lạm phát trở thành nguy cơ thực sự.
Sáu là nguy cơ nổ tung các IPO. IPO là chứng khoán hoặc cổ phiếu được các công ty phát hành lần đầu tiên ra thị trường để tìm vốn mở rộng sản xuất hoặc để buôn bán trên thị trường chứng khoán. Nguy cơ này có nghĩa là các công ty thiếu tiền để mở rộng sản xuất, nghiên cứu, thuê lao động, tăng lương và tạo ra sự thịnh vượng.
Bảy là sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cần tăng trưởng cao trên 10% và hiện trạng này có thể đẩy lạm phát trong nước lên tới mức khó kiểm soát.
Tám là những sự kiện bất ngờ không thể lường trước tàn phá thị trường toàn cầu. Các sự kiện này có thể bao gồm thị trường trái phiếu Nhật Bản sụp đổ, bạo động, các cuộc tấn công khủng bố và xung đột ở các khu vực.
Chín là hợp tác quốc tế suy giảm. Những khó khăn kinh tế đang có xu hướng khiến các nước hướng nội. Thời gian qua, châu Á đã thể hiện khả năng phối hợp với nhau thông qua vô số các hội nghị cấp cao, các thông cáo và các tuyên bố của các hội nghị.
Mười là nguy cơ nền kinh tế toàn cầu không có lãnh đạo. Nền kinh tế toàn cầu hiện nay cần hơn bao giờ hết các chính sách nhìn xa trông rộng, hiểu biết và đáng tin cậy. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta ít thấy những chính sách như vậy ở các trung tâm hoạch định chính sách kinh tế thế giới như Oa-sinh-tơn, (Washington), Brúc-xen (Brussels), Tô-ki-ô (Tokyo)....
(Theo TTXVN)