Đối với trẻ em việc mất đi người thân, nhất là đấng sinh thành là nỗi đau, sự thiệt thòi khó có thể nào bù đắp. Hiểu được điều này, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực kết nối, tìm kiếm “mẹ đỡ đầu” cho các trẻ mồ côi, vận động nguồn lực hỗ trợ... Thông qua chương trình, cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới. Bởi các em không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà các “mẹ đỡ đầu” và các cấp hội còn thường xuyên đến thăm hỏi, quan tâm đời sống tinh thần, việc học tập của các em, nhất là dịp tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu, nhân dịp năm học mới... để các em được sống trọn vẹn trong tình yêu thương, đùm bọc của mọi người, tiếp sức giúp các em vững bước hơn trên con đường tương lai.
Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội đã tích cực vận động, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ, cộng đồng về ý nghĩa nhân văn của chương trình, qua đó chung tay hành động giúp đỡ những hoàn cảnh trẻ mồ côi, bất hạnh bằng nhiều việc làm thiết thực, góp phần tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện. Qua thời gian triển khai, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong xã hội và đạt nhiều kết quả đáng mừng. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 272 em mồ côi đang được nhận đỡ đầu, trong đó 33 em mồ côi do COVID-19. Nhiều cá nhân, tổ chức đã cam kết chăm lo cho các em học hết phổ thông và đủ 18 tuổi, với mức hỗ trợ từ 300.000 -1.000.000 đồng/tháng.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh thăm, tặng quà cho trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh là một trong những tập thể điển hình thực hiện hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu”, với 21 trường hợp trẻ mồ côi gặp khó khăn được nhận giúp đỡ. Trong số các em được nhận đỡ đầu, phải kể đến hoàn cảnh đáng thương của hai em Phan Gia Bảo và Phan Thị Nhã Trân, thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải (Ninh Hải) mồ côi cha. Một mình chị Vũ Thị Thắm gồng gánh bằng việc làm thuê để chăm lo hai con. Những tưởng khó khăn chỉ dừng lại đó thì một lần nữa mọi thứ như đổ sập khi chị biết bản thân bị bệnh nặng, áp lực kinh tế càng nặng nề. Thấu hiểu khó khăn, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu hai cháu với số tiền 12 triệu đồng/năm. Mặc dù số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đã phần nào trang trải chi phí học tập, sinh hoạt của các cháu. Ngoài ra, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên đến thăm hỏi sức khoẻ, đời sống của ba mẹ con như một đại gia đình với nhau. Hay với em Nguyễn Nhật Thiện, xã Phước Thuận (Ninh Phước) không có cha, mất mẹ từ ngày mới lọt lòng nên em được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Ở độ tuổi già yếu với nguồn thu nhập bấp bênh, điều ông bà trăn trở nhất chính là việc chăm lo cho cháu có cơ hội được học tập đầy đủ đến khi tốt nghiệp phổ thông. Kịp thời chia sẻ với lo toan của gia đình, Hội cũng nhận đỡ đầu em với chi phí 5 triệu đồng/năm, ngoài ra còn đảm nhận việc động viên, tặng quần áo, dụng cụ học tập. Không phụ lòng, Thiện luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng là niềm tự hào của ông bà và các mẹ.
Có thể thấy, chương trình đã đem đến cho các em không chỉ có thêm một người mẹ mà có thêm nhiều người thân, thêm một mái ấm gia đình. Chương trình thực sự là cầu nối yêu thương - đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các em. Để chương trình "Mẹ đỡ đầu" hoạt động bền vững, thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần lan tỏa tình yêu thương, đồng thời khẳng định hơn nữa vai trò của tổ chức hội trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Lê Thi