Với chủ đề “Hoạch định lộ trình phát triển mới trong một thế giới đang thay đổi”, diễn đàn gồm 7 phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung: phát triển chính sách công nghiệp cho thương mại và phát triển, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, tương lai số, tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu, định hướng đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi và đối mặt với nhiều thách thức. Các thành viên đánh giá cao nỗ lực và vai trò của UNCTAD trong 60 năm qua, nhất trí UNCTAD cần phát huy hơn nữa vai trò đại diện cho tiếng nói của các nước đang phát triển trong tái định hình quản trị toàn cầu và thúc đẩy nghị sự cho phát triển bền vững. Hội nghị hoan nghênh những cải cách gần đây của UNCTAD, nhất trí đổi tên tổ chức thành Cơ quan Thương mại và Phát triển LHQ, phản ánh mức độ cam kết cao hơn, mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển.
Tham dự diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã phát biểu tại 2 phiên thảo luận về Thúc đẩy dòng vốn đầu tư bền vững và nâng cao hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu và Chuẩn bị cho nền kinh tế tương lai – Các lựa chọn và hành động khẩn cấp. Trong phát biểu, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao những thành quả đạt được và đóng góp của UNCTAD trong 60 năm qua trong vai trò đại diện cho tiếng nói các nước đang phát triển và thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu. Chia sẻ đánh giá về những cơ hội và thách thức đặt ra cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển bền vững toàn cầu, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh 5 thách thức: khả năng thích ứng của các nước đang phát triển không theo kịp sự biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc của thế giới; khoảng cách phát triển, công nghệ và đầu tư giữa các quốc gia còn lớn; nguồn lực tài chính, con người và tài nguyên còn hạn chế; biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường diễn biến phức tạp; căng thẳng địa chính trị, xu thế phân mảng, cạnh tranh gia tăng.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đề xuất 5 định hướng để UNCTAD tiếp tục phát huy vai trò, hỗ trợ các nước đang phát triển trong thời gian tới. Một là, tiếp tục đi đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường các hành động hợp tác toàn cầu. Hai là, phát triển hệ thống thương mại và đầu tư mở, mang lại lợi ích cho tất cả các nước và các bên liên quan. Ba là, UNCTAD hỗ trợ nâng cao tiếng nói các nước đang phát triển trong quá trình hoạch định chính sách, các quy định, quy chuẩn toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Bốn là, hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường chống chịu với các cú sốc và đa khủng hoảng bên ngoài. Năm là, tăng cường gắn kết các hoạt động của UNCTAD với các chương trình nghị sự toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cũng chia sẻ các thành tựu phát triển kinh tế, chủ trương, định hướng phát triển, chính sách đầu tư, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cảm ơn sự hỗ trợ của UNCTAD đối với Việt Nam trong thời gian qua và đề nghị UNCTAD tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường phát triển tới. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định cam kết Việt Nam ủng hộ các mục tiêu, định hướng hợp tác của UNCTAD.
Nhân dịp tham dự sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã có cuộc gặp với Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Mirek Dusek, Bộ trưởng cao cấp phụ trách các vấn đề đặc biệt Campuchia Sok Siphana. Tại các cuộc gặp, các đối tác đánh giá cao sự điều hành của chính phủ và thành tựu phát triển của Việt Nam, Tổng thư ký UNCTAD cho rằng Việt Nam là hình mẫu thành công về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế; Tổng giám đốc WTO cho rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam là “niềm mơ ước” của nhiều nền kinh tế; WEF nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến đầu tư nhiều triển vọng của các tập đoàn thành viên. Các đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác, đồng hành cùng Việt Nam trên con đường phát triển.
Theo TTXVN